Cách thoát hiểm nhanh lẹ khi bị cháy ở nhà cao tầng

Nằm lòng những bí kíp này, bạn sẽ có cơ hội sống sót cao hơn khi mắc kẹt trong một đám cháy nhà cao tầng.

1. Biết các tuyến đường và thủ tục sơ tán

Cho dù bạn đang sống trong khu chung cư, đang ở trong một khách sạn, hoặc làm việc trong một tòa nhà cao tầng, hãy làm quen với việc để ý tới '"floor plan" (hay còn gọi là sơ đồ tòa nhà, sơ đồ các phòng). Cố gắng ghi nhớ tổng thể sơ đồ và đặc biệt là những tuyến đường sơ tán khẩn cấp của nó.

Đặc biệt, ghi nhớ những con đường ngắn nhất và nhanh nhất để tới được cầu thang gần nhất với phòng mình. Nếu chuyển đến sống và làm việc lâu dài tại các tòa nhà cao tầng, hãy dành chút ít thời gian nói chuyện với quản lý tòa nhà hoặc các nhân viên bảo vệ về những lối thoát khẩn cấp cụ thể. 

Cách thoát hiểm nhanh lẹ khi bị cháy ở nhà cao tầng - 1

Khi xảy ra hỏa hoạn, tuyệt đối không đi thang máy (Ảnh minh họa)

Thông thường khi chuyển đến một ngôi nhà cao tầng, mọi người thường không mấy chú ý đến sơ đồ tòa nhà mà chỉ chú ý đến căn phòng của mình, điều này khiến mọi người bị động khi bất ngờ có tai nạn, sự cố xảy ra. Hãy thay đổi nhận thức của mình để giảm thiểu tối đa những rủi ro không đáng có.

2. Đi cầu thang bộ

Hỏa hoạn xảy ra, tuyệt đối không bao giờ được dùng thang máy. Khi tới sống/làm việc ở một tòa nhà cao tầng, hãy chắc chắn rằng, bạn có thể sử dụng cầu thang bộ, đảm bảo đã biết và ghi nhớ những lối thoát hiểm dẫn tới cầu thang bộ, bao gồm cả cầu thang bộ bên trong và cầu thang bộ bên ngoài tòa nhà.

Khi thấy khói bốc lên từ tầng cao, hãy nhanh chóng thoát khỏi tòa nhà bằng cách chạy xuống từ cầu thang bộ, sử dụng tay vịn. Ngược lại, khi phát hiện đám cháy bắt đầu từ tầng dưới, bạn bắt buộc phải lên trên, nếu có thể hãy chạy thoát lên mái nhà.

Giữ cho cửa thông lên mái nhà mở để khói thoát ra từ những tầng dưới, giúp những người còn mắc kẹt dưới đó bớt ngạt khói và có cơ hội sống cao hơn. Ngay sau đó, gọi cứu hỏa và cho họ biết vị trí chính xác của bạn.

3. Tuyệt đối không tìm chỗ trốn trong đám cháy

Dù có sợ hãi, bạn cũng không bao giờ được nấp dưới gầm giường hay trong phòng kín. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh và tìm phương pháp thoát khỏi đám cháy một cách nhanh nhất. Nếu bắt buộc phải chạy đến cửa thoát hiểm bằng cách băng qua đám cháy, hãy tìm nguồn nước và dùng áo thấm đẫm nước trùm lên người. Nếu có thể tìm thấy khăn, chăn, thảm, hãy nhúng ướt chúng và trùm lên người, dùng khăn thấm nước bịt mũi để tránh hít phải khói và khí độc.

Gặp trường hợp bắt buộc phải mở cửa để thoát hiểm, hãy kiểm tra nhiệt độ của tay nắm cửa, nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở cửa vì rất có thể, đám cháy phía sau cánh cửa sẽ nuốt chửng bạn. 

Khi mở cửa, nên tránh mặt, né người sang một bên đề phòng lửa tạt và để tránh tổn thương do hiện tượng chênh lệch áp suất.

Khi di chuyển trong đám cháy, bò càng sát sàn nhà càng tốt bởi theo tính chất vật lý tự nhiên khói sẽ bay lên cao, lúc đó không khí sạch sẽ ở dưới thấp. Giữ mũi của bạn càng thấp bạn càng có cơ hội sống cao hơn. 

Nếu không tìm thấy lối ra cửa chính, cố gắng di chuyển tới phòng có ban công hoặc cửa sổ có thể mở được. Từ ban công/cửa sổ hãy tìm mọi cách có thể để gây sự chú ý để thông báo vị trí cụ thể của mình.

4. Khi thoát ra được, tuyệt đối không quay lại

Khi đã đến vùng an toàn, bạn phải chạy ngay ra ngoài và trực tiếp gọi cứu hộ. Giúp đỡ những người lính cứu hỏa bằng cách cung cấp vị trí của các nạn nhân còn mắc kẹt. Tuyệt đối không được quay lại khi đã thoát ra ngoài vì điều đó không chỉ khiến bạn đặt bản thân vào tình huống rất nguy hiểm mà còn làm chậm nỗ lực cứu hỏa bởi những người cứu hỏa sẽ phải cứu bạn thêm một lần nữa, ảnh hưởng đến cơ hội sống của người khác. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tư Tuyền (Theo Wikihow) ([Tên nguồn])
Cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN