Bi kịch những người vợ chấp nhận bị chồng “xỏ mũi”

Họ không dám đấu tranh, không dám vùng lên vì quyền lợi của mình.

Theo TS Nguyễn Thị Kim Quý, có những dấu hiệu có thể giúp chị em nhận biết sự “nhịn” của mình đã vượt quá giới hạn.

Ví dụ như: Để nhận ra ranh giới giữa sự nhẫn nhịn và nhu nhược, chị em có thể dựa vào những dấu hiệu như: Khi chồng nóng giận xúc phạm mình, mình lặng lẽ đi lấy một cốc nước mát mang đến cho chồng, sau đó người chồng tự nhận ra mình sai và xin lỗi vợ – đó là nhẫn. Nhưng khi chồng xúc phạm mình mà mình nghiễm nhiên cho qua, trong lòng đau đớn nhưng vẫn cố cười nói vui vẻ như thường – đó là nhu nhược.

Bi kịch những người vợ chấp nhận bị chồng “xỏ mũi” - 1

Hãy thôi hy sinh khi người đồng hành trong gia đình không còn yêu thương mình (Ảnh minh họa)

Hoặc khi biết chồng ngoại tình, mình không lồng lên nói gần nói xa, không mát mẻ, chửi rủa hoặc không đánh ghen mà đề nghị chồng ngồi nói chuyện rõ ràng, một thế này, hai thế kia, chồng phải tôn trọng mình và mình sẵn sàng chấp nhận… Đó là nhẫn. Nhưng khi biết chồng ngoại tình, mình nhắm mắt làm ngơ kệ cho mọi việc đến đâu thì đến, lúc đó là nhu nhược.

Khi nhận thấy chồng cạn tình, cạn nghĩa thì chị em không nên nhẫn nhục chịu đựng. Bởi như vậy phụ nữ sẽ tự giam mình vào địa ngục và tước mất những cơ hội mà mình có thể được người khác yêu thương và mang lại hạnh phúc cho mình. Chị em hãy tự mình bứt phá, cho dù sự bứt phá đó là vô cùng khó khăn.

Để bứt phá và giải phóng mình ra khỏi sự áp bức từ chồng, trước hết phụ nữ cần phải biết yêu thương bản thân mình. Bởi nếu không yêu thương bản thân thì sẽ không có cách lựa chọn đúng.

Không yêu thương bản thân thì phụ nữ sẽ không chặt được những dây xích trói buộc mình bấy lâu. Hãy thôi hy sinh khi người đồng hành trong gia đình không còn yêu thương mình, không còn tôn trọng mình, hà hiếp, chà đạp lên nhân phẩm của mình.

“Về mặt xã hội, để giúp phụ nữ thoát khỏi những chiếc dây xích trói buộc họ, nhà nước nên quan tâm đến phụ nữ như một đối tượng yếu thế cần phải được bảo vệ. Ở nhiều nước phát triển như Mỹ chẳng hạn, phụ nữ và trẻ em được coi là những đối tượng yếu thế trong xã hội. Hệ thống luật pháp của họ rất coi trọng công tác bảo vệ những đối tượng yếu thế này. Họ có hệ thống nhà tạm lánh, nơi để cách ly vợ chồng khi bạo lực xảy ra. Luật được thực thi rất nghiêm minh. Khi được pháp luật, được xã hội bảo vệ, phụ nữ sẽ có được sức mạnh tinh thần để tự mình bứt phá khỏi những sợi dây ràng buộc vốn nặng nghĩa nặng tình của họ”.

TS Nguyễn Thị Kim Quý

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Khánh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN