Bất ngờ bài thuyết trình tiếng Anh của Nhật Nam tại Mỹ

Sự kiện: Clip hot

13 tuổi, Nhật Nam trở thành đại diện của châu Á phát biểu tại Hội nghị Khoa học Giáo dục TEDxKiD tại Mỹ

Ngày 30/10 vừa qua, cậu bé 13 tuổi Đỗ Nhật Nam đã vinh dự được chọn là đại diện châu Á phát biểu về chủ đề "Khoa học về nụ cười" do Hội nghị Khoa học Giáo dục TEDxKiD (Mỹ) tổ chức.

Hội nghị TEDxKiD do tổ chức TEDx - một tổ chức độc lập nổi tiếng ở Mỹ thường mở ra các chủ đề về cuộc sống để mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm.

Bất ngờ bài thuyết trình tiếng Anh của Nhật Nam tại Mỹ - 1

Gương mặt biểu cảm của Đỗ Nhật Nam

Với 6 phút thuyết trình, Nhật Nam đã dẫn dắt bài thuyết trình của mình một cách lưu loát, sắc sảo và tự tin. Đặc biệt, khi Nam đưa ra những dẫn chứng thú vị về bản thân đã nhận được rất nhiều tiếng vỗ tay tán dương của khán giả dưới khán đài.

"Đôi khi, nụ cười có thể đến từ những thứ vô cùng đơn giản như: chiến thắng khi chơi game hay nghe tiếng mưa rơi tí tách ngoài hiên. Những thứ cảm xúc ấy đều có thể tạo thành tiếng cười"; "Tôi muốn đề xuất một thử thách đối với tất cả các bạn: Cười thực sự ít nhất 5 lần/ ngày"  và "Hãy tặng cho người bạn mới ở trường một nụ cười, tặng bác bảo vệ một nụ cười, tặng cha mẹ một cái ôm ấm áp và nụ cười thật lớn khi bạn đi học về bởi, họ xứng đáng nhận được nó" - những câu diễn thuyết của Nhật Nam nhận được nhiều sự cổ vũ từ khán giả.

Sau khi xem xong clip, rất nhiều dân mạng đã dành cho Nhật Nam những lời khen ngợi. Bạn có nickname là Hung Nguyen, hiện đang học thạc sỹ tại một trường ĐH của Mỹ và đã sống ở đây 7 năm bình luận: Mặc dù bài thuyết trình của Nam còn có một số nhược điểm về việc chọn từ, nói hơi run nhưng nói chung, bài của Nam có bố cục tốt, mọi thứ đều rõ ràng, mặc dù cậu bé mới chỉ 13 tuổi.

Bạn Hung Nguyen cũng đưa ra quan điểm khi một số dân mạng cho rằng, Nhật Nam sử dụng ngữ điệu chưa chuẩn: "Đúng là em chưa chuẩn về ngữ điệu lắm nhưng như thế không có gì là xấu. Yêu cầu của người nói một ngôn ngữ là làm sao để nhiều người hiểu được nhất. Nói theo đúng ngữ điệu của người bản xứ không có nghĩa là một người nói tốt. Hơn nữa tiếng Anh có rất nhiều ngữ điệu khác nhau nên không thể nói là chỉ có một ngữ điều duy nhất".

Clip: Nhật Nam thuyết trình tại Hội nghị khoa học giáo dục tại Mỹ

Bạn Son pham cũng đưa ra ý kiến: "Theo mình thì đúng là Nam phát âm chữ smile chưa chuẩn thật! Tiếng Mỹ phát âm từ này nhanh hay chậm vẫn luôn là "x-mai-ờ" - nghĩa là chữ "mai" vẫn luôn rõ chứ không thể thành "mao" vậy được. Nhưng mình vẫn rất khâm phục em về khả năng hùng biện bằng tiếng Anh (mình nghĩ ngay cả ở Mỹ cũng không có nhiều em bằng tuổi Nam mà có khả năng hùng biện như vậy đâu!). Ở tuổi của em thì phát âm tiếng Anh (không phải là mẹ đẻ) chưa chuẩn là rất bình thường. Muốn phát âm chuẩn như người Mỹ thì cần phải thêm nhiều năm nữa".

Lược dịch bài phát biểu của Nhật Nam:

Các bạn cười bao lần trong ngày? 1 lần, 2 lần, 3 lần hay nhiều hơn thế?

Đôi khi, nụ cười có thể đến từ những thứ vô cùng đơn giản như: chiến thắng khi chơi game hay nghe tiếng mưa rơi tí tách ngoài hiên. Những thứ cảm xúc ấy đều có thể tạo thành tiếng cười nhưng liệu có cơ sở khoa học nào đằng sau nụ cười?

Theo định nghĩa, tiếng cười là dấu hiệu cho thấy trạng thái cảm xúc tốt nhất. Hay nói cách khác, một nụ cười thực sự là đỉnh điểm của cảm xúc, của trạng thái vô ùng thỏa mãn.

Hãy thử nghĩ xem, khi bạn đang ở trong một thời điểm cực kỳ phấn khích, ví dụ như khi gặp lại người bạn thân đã xa cách lâu ngày...

Điều này có nghĩa, các tín hiệu thần kinh sẽ truyền từ vỏ não của bạn đến cuống não, đó là phần xuất hiện sớm nhất của não bộ. Kích thích này lan ra như một làn sóng và truyền đến một trung khu cảm xúc của não. Từ đó, tín hiệu phát ra thể hiện bằng các biểu lộ cảm xúc thoả mãn trên khuôn mặt.

Nghe thì có vẻ đơn giản phải không nào? Và hành động mỉm cười sẽ xảy ra chứ không phải ngay lập tức. Sự co bóp của cơ miệng, sau đó sẽ tạo ra một vòng phản hồi lại các tín hiệu thần kinh để tăng cường hơn nữa cảm giác của chúng ta về niềm vui.

Lý do chính hôm nay tôi đứng đây không chỉ để nói với các bạn chủ đề Khoa học về nụ cười, mà lớn hơn là để thuyết phục các bạn mỉm cười nhiều hơn mỗi ngày.

Để làm được điều đó, tôi muốn kể với các bạn một câu chuyện về cách tốt nhất để tạo ra một nụ cười.

Ngày xưa, có một cậu bé ở một nơi xa xôi ôm giấc mơ được gọi là "Mỹ". Với cậu ấy, vùng đất này là một nơi của những điều kỳ diệu và hấp dẫn, một thế giới của những cơ hội, một chân trời rộng lớn đang chờ cậu khám phá.

Ngày cậu bé đặt chân lên đất Mỹ, cậu thấy mình là người hạnh phúc nhất. Nhưng rồi, những điều tốt đẹp không kéo dài lâu: Sự phấn khích ban đầu sớm thay thế bởi một sự thôi thúc, đó là phải từ bỏ tất cả mọi thứ để về nhà!

Cảm giác của sự tuyệt vọng và nỗi buồn bao phủ cậu bé. Vài ngày đầu tiên, tất cả mọi thứ xung quanh cậu là sống lại với những kỷ niệm khi được ở bên bố mẹ, người thân và bạn bè mình. Cậu đã khóc rất nhiều... khi cậu chỉ có một mình trên đất nước xa lạ.

Đó là thứ bảy đầu tiên xa nhà - ngày cậu yêu thích nhất trong tuần nhưng nó lại không khiến cậu hạnh phúc.

Cậu bé đó mới chỉ 13 tuổi, cách nhà 12 nghìn dặm. Khi nhìn ra cửa sổ, hướng về quê nhà, đôi mắt cậu sáng bừng lên khi bắt gặp một mầm cây. Cái mầm đó nhỏ như ngón tay nhưng phát triển mạnh, thậm chí khỏe khoắn hơn những cây cao lớn hơn xung quanh.

Lúc đó, bỗng nhiên cơ thể cậu bé trỗi lên một loạt cảm giác lạ lùng quen thuộc: Cậu cảm thấy như thể mình đang ở nhà, trong vòng tay của gia đình, được đi dạo khắp khu vườn nhỏ trên sân thượng. Và khi ấy, cậu bé không thể ngăn cản mình nở một nụ cười.

Chính thời điểm đó, cậu bé đó đã tìm thấy tâm hồn mình ở nơi yên tĩnh, như thể tất cả những lo lắng, hỗn loạn, những hoài nghi đều tan biến hết.

Giờ đây, cậu bé giống như biết định nghĩa "hạnh phúc" một lần nữa. Nếu không có nụ cười kia, cậu sẽ thể đứng ở đây, bị mê hoặc bởi những con người tuyệt vời này. Và tôi chính là là cậu bé đó!

Kết thúc buổi trò chuyện này, tôi muốn đề xuất một thử thách đối với tất cả các bạn: Cười thực sự ít nhất 5 lần/ ngày. 

Hãy tặng cho người bạn mới ở trường một nụ cười, tặng bác bảo vệ một nụ cười, tặng cha mẹ một cái ôm ấm áp và nụ cười thật lớn khi bạn đi học về bởi, họ xứng đáng nhận được nó.

Đỗ Nhật Nam từng biết đến với thành tích học tập "khủng", như: Thi TOEIC đạt 940/990 điểm (năm học lớp 2); Thi TOEFLT ITP đạt 617 điểm (năm học lớp 2); Thi TOEFLT IBT đạt 107 điểm (năm học lớp 4); Thi IELTS đạt 8.0 với điểm reading đạt tuyệt đối: 9.0 (năm học lớp 5)... Bên cạnh đó, Nhật Nam còn là dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam với các tác phẩm như: Nạp điện; Tôi tư duy, tôi thành đạt; Mặt trời mọc, mặt trời lặn; Sống đẳng cấp.

Ngoài ra, Nam cũng là tác giả của những cuốn sách: Những con chữ biết hát; Bố mẹ đã cưa đổ tớ;  Tớ đã học tiếng Anh như thế nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nga Ly (Khám phá)
Clip hot Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN