9X gom đất, ve chai mua dê, xây trường cho người nghèo

Từ vỏ chai, gốm hỏng, đất cát ven sông… đều được chàng trai trẻ thu gom để bán nhằm gây quỹ từ thiện ủng hộ người dân vùng cao.

Năm học 2015-2016 tới đây, các em học sinh ở bản Nậm Vì (Mường Nhé, Điện Biên) đã có một ngôi trường mới gồm 3 phòng học, 1 sân chơi và 1 nhà vệ sinh thay thế cho lớp học vách nứa đơn sơ mà hơn 10 năm nay đều phải dựng lại mỗi khi mùa mưa bão đến.

Điểm trường là món quà của nhóm tình nguyện Niềm Tin dành tặng cho trẻ em vùng rẻo cao từ số tiền có được từ dự án gây quỹ ủng hộ do chàng trai Hà thành Hoàng Hoa Trung (sinh năm 1990) thành lập ra.

Dự án gây quỹ từ thiện “độc nhất vô nhị”

Trong suốt 6 năm là thành viên “cốt cán” của nhóm tình nguyện Niềm Tin, Trung đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Anh là chủ nhân của nhiều dự án gây quỹ ủng hộ độc, lạ với hiệu quả cực cao.

9X gom đất, ve chai mua dê, xây trường cho người nghèo - 1

Hoa Trung, chàng trai đam mê tình nguyện

Thấy hoạt động thu mua ve chai của những nhóm tình nguyện phía Nam phát triển, Trung đã bắt chước và áp dụng nó vào hoạt động tình nguyện của nhóm mình.

Anh chia sẻ: “Trong Nam, các bạn tình nguyện trẻ thường tổ chức thu lượm, buồn bán ve chai lấy tiền làm tình nguyện. Cách làm này cho hiệu quả rất cao nên mình muốn áp dụng nó vào hoạt động của nhóm . Các thành viên nhóm mình tới từng kí túc xá, các công ty và nhà máy xin vỏ chai bán lấy tiền gây quỹ ủng hộ người dân vùng cao. Sau thời gian ngắn, nhóm mình lãi được 5 triệu đồng, đủ mua 8 đàn gà và hai con lợn sữa ủng hộ người dân nghèo ở Điện Biên tăng gia sản xuất”.

Từ hoạt động thu mua ve chai, Trung đã nảy ra nhiều ý tưởng tình nguyện sáng tạo khác, trong đó ấn tượng nhất là dự án gốm Bát Tràng.

Trung và các thành viên trong nhóm tình nguyện tới làng gốm Bát Tràng, xin những sản phẩm gốm bị lỗi, hỏng sau đó tổ chức bày bán trong các hội chợ sách với giá từ 10.000 - 15.000 đồng. Có khi, cả nhóm còn lặn lội đi gõ cửa từng nhà người dân, bán hàng gây quỹ cộng đồng.

Anh chia sẻ: “Dự án gốm Bát Tràng cho hiệu quả rất cao và đến nay vẫn đang được duy trì. Hiện tại, nhóm đã bán được 20 triệu đồng tiền gốm. Chúng mình trích một phần trong số đó xây dựng trường ở bản Nậm Vì, phần còn lại dùng để mua dê và nấu cơm ủng hộ dân nghèo Điện Biên”.

Bên cạnh dự án gốm Bát Tràng, Trung và nhóm tình nguyện còn thực hiện Chương trình “Đất phù sa sông Hồng”. Đây quả đúng là hoạt động tình nguyện “độc nhất vô nhị” mang thương hiệu Hoàng Hoa Trung.

Nhóm tình nguyện của Hoa Trung tới gặp ban quản lí đất bồi ở sông Hồng xin đất phù sa rồi phát động chương trình bán đất trồng cây gây quỹ tình nguyện. Số tiền thu được sẽ dành để mua dê ủng hộ cho người dân nghèo.

Mỗi bao đất lớn bán được 100 nghìn đồng. Chúng mình đã thu được 1 khoản tiền khá lớn, mua được 10 con dê giống trị giá 2,5 triệu tặng bản Nậm Vì”.

Ngoài ra, Hoa Trung còn phát động dự án trồng cây trên gốm xin được để kiếm tiền làm tình nguyện. Anh chia sẻ: “Ở hiệu sách hay cửa hàng lưu niệm bán nhiều cây xanh trồng trong những chiếc cốc, bình gốm. Thấy vậy, mình nảy ra ý tưởng kết hợp dự án gốm Bát Tràng với việc trồng cây, hoa. Nhóm tình nguyện Niềm Tin đã liên lạc với một công ty để thực hiện trồng cây trên gốm để gây quỹ. Dự án này đạt kết quả tốt và đến nay vẫn duy trì”.

Những dự án tình nguyện “lạ lùng” của Trung đã đem lại hiệu quả rất tốt trong hoạt động tình nguyện của nhóm Niềm Tin.  Đó cũng là điểm tựa vững chãi giúp cho hoạt động tình nguyện gây quỹ vì cộng đồng ở miền Bắc phát triển.

Những biệt danh “độc” gắn liền với tình nguyện

Khác với các bạn bè chọn đại học là con đường xây dựng sự nghiệp, Trung lại dành riêng cho mình một con đường phát triển, đó là mở cửa hàng in ảnh gỗ. Song song với công việc đó, anh tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Từ đó, anh được bạn bè gọi bằng những cái tên rất “tình nguyện”: Thiệp Nhân ái, Trung Gốm.

9X gom đất, ve chai mua dê, xây trường cho người nghèo - 2

Ngôi trường ở bản Nậm Vì do nhóm tình nguyện của Hoa Trung xây dựng

Thiệp nhân ái  là một dự án từ thiện đặc biệt do anh triển khai từ năm 2009, được nhiều bạn trẻ tham gia hưởng ứng. Anh chia sẻ: “Nhắc tới Thiệp nhân ái người ta thường nghĩ đến điều gì đó rất gần gũi, thân quen, chỉ cần các bạn tình nguyện cùng đoàn kết, chung sức là có thể thực hiện được”. Cũng từ đó, Hoa Trung còn được gọi với cái tên thân mật là “Thiệp nhân ái”.

Người dân Bát Tràng còn đặt cho Hoa Trung nghệ danh đặc biệt là Trung Gốm bởi, suốt một thời gian dài, họ thường xuyên thấy chàng trai trẻ miệt mài bên đống gốm hỏng lau chùi, nâng niu rồi nhẹ nhàng chuyên chở gốm về nhà như đèo con nhỏ.

Với Trung, tình nguyện là một phần cuộc sống, trái tim Trung luôn hướng về những đứa trẻ nghèo nơi biên giới. Mỗi lần đi tình nguyện, anh thường ở lại nhà dân, ăn uống, sinh hoạt cùng họ như người dân bản địa. Nhìn những đứa trẻ hau háu nhai kẹo, anh thực sự hạnh phúc.

“Tụi nhỏ vùng cao không gọi mình là chú Trung hay anh Trung đâu, chúng gọi mình là Trương Sương Điếp (dịch ra là Trung yêu thương – PV)”, Trung chia sẻ.

Sắp tới, Trung và nhóm tình nguyện sẽ tổ chức gây quỹ từ thiện “Ánh sáng núi rừng”, đồng thời kêu gọi mọi người tham gia tình nguyện giúp đỡ người dân vùng cao. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vân Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN