Vụ cô gái rơi xuống cầu tạm: Chủ đầu tư đổ lỗi nạn nhân

Chủ đầu tư nói không loại trừ việc nạn nhân cố tình mở lưới rào chạy vào (?!).

Trưa 22-9, nhiều người dân, bạn bè đến viếng đám tang của chị Võ Hoàng Anh T. (18 tuổi, huyện Bến Lức, Long An), nạn nhân trong vụ rơi cầu tạm bị nước cuốn trôi. Trong ngày, đại diện đơn vị thi công là Công ty Xây dựng Thế Toàn (TP.HCM) đã đến thăm hỏi gia đình nạn nhân nhưng chưa đề cập đến chuyện bồi thường.

Bà Lê Thị Ngọc Lợi - mẹ của chị Võ Hoàng Anh T. bức xúc khi hay tin phía đơn vị thi công đổ lỗi cho con bà vì một số báo đưa tin chị T. đã cùng bạn nhậu từ trưa hôm xảy ra tai nạn. “Cho dù con tôi có nhậu đi nữa thì cũng không liên quan gì đến sự tắc trách của đơn vị thi công. Gia đình chúng tôi đề nghị cơ quan điều tra sớm xác minh làm rõ trách nhiệm của các cán bộ, cá nhân liên quan” - bà Lợi nói.

Đổ lỗi cho… trời

Trước đó trả lời báo chí, ông Trần Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ GTVT), chủ đầu tư cầu An Thạnh, cho rằng công trình này có rào chắn, cảnh báo nhưng do tối 19-9 có mưa to nên rào… sập.

Tuy vậy, ông Trương Hoàng Minh, Trạm trưởng Trạm Khí tượng Thủy văn Bến Lức, có nhà ở gần hiện trường, khẳng định với PV: “Tối 19-9, trên địa bàn huyện Bến Lức có trận mưa kéo dài 30 phút với lượng mưa nhỏ, chỉ 12 mm. Số liệu quan trắc không ghi nhận có giông, gió giật xảy ra. Còn ở hiện trường mưa còn nhỏ hơn số liệu trên và chỉ kéo dài khoảng 10 phút”.

Chiều 22-9, ông Phùng Văn On, Phó ban ATGT tỉnh Long An, tái khẳng định kết quả xác minh cho thấy thời điểm xảy ra tai nạn, ở hiện trường hoàn toàn không có rào chắn, cảnh báo chứ không phải có nhưng rào bị đổ sập.

Nguồn tin từ Công an huyện Bến Lức cho biết Cơ quan CSĐT Công an huyện đã lấy lời khai bộ phận thi công. Hiện CSĐT vẫn đang tiếp tục làm rõ. Đại tá Trần Văn Hà, Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Long An, cho biết trước mắt khi tìm được thi thể còn phải qua nhiều thủ tục như khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân tử vong… rồi xem xét phân thẩm quyền điều tra cho huyện hay công an tỉnh.

Theo ông Lê Minh Đức, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Long An, ngay sau sự việc xảy ra UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát lại các dự án trên địa bàn tỉnh. Nếu đơn vị nào không đảm bảo an toàn thì buộc tạm ngưng thi công cho đến khi khắc phục.

Vụ cô gái rơi xuống cầu tạm: Chủ đầu tư đổ lỗi nạn nhân - 1

   Chủ đầu tư đưa ra nhiều tình huống về vụ cô gái rơi xuống cầu tạm, như mưa giật sập rào chắn và cũng có thể nạn nhân vạch rào… chạy vào (?!). Ảnh: HOÀNG NAM

Nhà thầu chịu trách nhiệm chính

Chiều tối 22-9, trả lời qua điện thoại, Phó Tổng Giám đốc Trần Quốc Bảo nói: “Xui rủi đến từ nhiều nguyên nhân nên phải chờ kết luận điều tra”.

. Hôm xảy ra tai nạn mưa rất nhỏ, cũng không có gió vậy thì căn cứ vào đâu ông nói mưa to xô đổ rào chắn công trình?

+ Tôi nắm thông tin từ phía dưới và mấy anh điều tra nhưng hãy để công an làm việc.

. Nhưng Ban ATGT tỉnh khẳng định lúc xảy ra tai nạn cầu tạm không có rào chắn chứ không phải có và bị sập do mưa?

+ Ban ATGT tỉnh có ở đó thường xuyên đâu. Vụ việc cứ để cho cơ quan điều tra làm rõ.

. Vậy thời điểm xảy ra tai nạn có rào hay không?

+ Cái đó cũng chưa biết, đang chờ kết luận điều tra.

. Cho dù có rào và bị sập do mưa thì đơn vị thi công vẫn có lỗi?

+ Cái đó là đương nhiên, không bàn cãi. Nhưng tôi không biết do mưa sập hay là do công nhân dỡ rào cho xe cẩu đi song không rào lại. Tôi cũng không loại trừ việc… cố tình mở ra để chạy vào.

. Như vậy trách nhiệm của chủ đầu tư thì sao?

+ Chúng tôi đã có phương án bồi thường rồi nhưng chưa đặt vấn đề với gia đình ngay vì sợ họ phản ứng. Nói gì thì nói trong vụ việc này nhà thầu chịu trách nhiệm chính và chủ đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Đơn vị thi công... mất liên lạc

Trong ngày 22-9, PV liên tục liên hệ ông Nguyễn Quang Vinh - cán bộ phụ trách tại công trình này nhưng ông này không nghe máy. PV dùng nhiều số điện thoại khác gọi, nhắn tin cho ông Nguyễn Ngọc Triền - Giám đốc Công ty Thế Toàn nhưng không được.

Trong ngày, PV đã hai lần trực tiếp đến trụ sở của Công ty Thế Toàn ở đường số 2, cư xá Chu Văn An (quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhưng cửa đóng then cài, kín cổng cao tường im ỉm suốt ngày. Ngay trước cổng công ty, một đống xà bần và cát lớn chắn lối đi và khi muốn liên hệ công ty thì phải bấm chuông và chờ chủ nhà hay nhân viên mở cổng.

Trong buổi sáng, PV gặp một nữ nhân viên và người này nói lãnh đạo công ty đã đi vắng. Cô này không trả lời và nói PV để số điện thoại rồi sẽ liên lạc lại.

Đến chiều PV tiếp tục tìm đến thì một nhân viên kế toán tên Hoa cho biết lãnh đạo công ty đã đi công trường. PV đề nghị bố trí lịch hẹn làm việc thì bà Hoa nói cần xin ý kiến sếp. Bà Hoa gọi điện thoại cho sếp rồi nói: “Gọi điện thoại không được, có gì hôm sau anh đến”.

NGUYỄN TÂN

Đại diện hợp pháp của phía bị hại có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với đơn vị có lỗi để xảy ra tai nạn - ở đây là đơn vị thi công công trình. Theo điều từ 604 đến 612 Bộ luật Dân sự và Nghị quyết số 06/2006/NQ-HĐTP, việc bồi thường thiệt hại gồm các chi phí bỏ ra để tìm kiếm xác chị T., chi phí hợp lý cho việc mai táng (các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng…), khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết (nếu có). Ngoài ra, bên có lỗi còn phải bồi thường để bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm.

Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

NGÂN NGA ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Nam (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN