Thiếu phụ bị cưỡng hiếp còng lưng gánh vạ làng

Thiếu phụ người Ba Na bị gã hàng xóm lợi dụng lúc sơ ý giở trò đồi bại. Là nạn nhân, nhưng theo tục lệ, chị lại là… kẻ có tội vì làm mất đi danh dự của gia đình và buôn làng.

Thiếu phụ bị cưỡng hiếp còng lưng gánh vạ làng - 1
Ảnh minh họa.
Để được tha thứ, chị phải ngược xuôi vay mượn tiền về mua heo bò, lễ vật tặng chồng và làm lễ cúng thần linh. Thời gian dài trôi qua, món nợ ấy vẫn đè nặng lên vai chị chẳng biết khi nào dứt. Ngày ngày sống trong cảnh lam lũ cơ cực, sự đày đọa không chỉ là món nợ vật chất mà là nỗi u uất được gây ra từ những tục lệ ngàn đời kia.
 
“Yêu râu xanh” giả mạo “chồng”
 
Nạn nhân trong vụ án là chị Đinh Thị Ganh (SN 1986, ngụ làng MTôn, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Thiếu phụ dáng người vốn nhỏ bé sau bao năm lam lũ càng trở nên khắc khổ. Trở về sau ngày dài lên nương, chị tháo chiếc gùi trên lưng một cách khó nhọc. Trút những hơi thở mệt nhọc lẫn buồn tủi, chị kể lại câu chuyện được cho là dở khóc dở cười nhất trong làng từ xưa đến nay.
 
Kẻ khiến chị phải sống trong bi kịch như hôm nay chẳng ai khác là người hàng xóm tên Hoàng Văn Quân (SN 1993). Hai gia đình tuy không thân thiết nhưng hòa thuận, chị Ganh và Quân vốn cũng khá thân quen nên đến lúc bị hại chị vẫn chẳng thể nào ngờ được chuyện xảy ra.
 
Vụ việc xảy ra trong đêm ngày 23.6.2013 tại chính nhà chị Ganh. Đêm đó gia đình chị đi ăn đám cưới trong làng, đến 23h chị mệt nên về nhà nghỉ ngơi. Vì chồng và các con chưa về nên chị để cửa trống chờ mọi người.
 
Trong lúc nằm trên giường, người phụ nữ có hơi men đã thiếp ngủ. Lúc này bất ngờ có một bàn tay đàn ông sờ soạng, mân mê chị. Trời quá tối, chị lại đờ đẫn vì mệt nên cứ nghĩ là chồng mình đi ăn đám đã về và đòi “yêu”. Hỏi một câu quen thuộc nhưng “chồng” vẫn say sưa vuốt ve chứ không đáp lại, chị Ganh an tâm rằng đó là chồng.
 
Thế nhưng những biểu hiện thô bạo khác thường của người đàn ông đã khiến chị Ganh hoài nghi. Chị đau đớn muốn “chồng” dừng lại để nói chuyện nhưng bóng đen vẫn cứ đà hì hục. Người phụ nữ đành phải kháng cự, vùng vẫy để thoát thân nhưng vẫn bị gã thanh niên dùng sức trai tiếp tục “làm tới”.
 
Nhân lúc gã thanh niên mất cảnh giác, chị Ganh co chân đạp mạnh khiến gã bật ngã. Chị hỏi ai, gã chỉ trả lời “tao đây”. Người phụ nữ nhận ra được bóng đen kia chính là Quân, cậu hàng xóm nhỏ hơn mình gần chục tuổi. Dù bị phát giác nhưng Quân vẫn tiếp tục khống chế đòi “yêu” lần nữa, chị Ganh dọa kêu cứu làng xóm, Quân liền bóp cổ. Chị phải giả vờ ngất đi để thủ phạm buông tay.
 
Sự việc sau đó được chị báo với già làng và tất cả mọi người. Thế nhưng ngay sau khi gây án Quân đã bỏ trốn. Không trông cậy được làng, sáng cùng ngày chị đến gặp chính quyền xã để trình báo sự việc. Từ đây vụ án được điều tra làm rõ, cơ quan công an kết luận Quân chính là kẻ hãm hiếp chị Ganh.
 
Cơ quan CSĐT Công an huyện Kbang sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Hoàng Văn Quân về hành vi hiếp dâm.  
 
Bị hiếp cũng là cái tội
 
Theo tập tục của người Ba Na, khi một người nào đó làm chuyện có tội với dân làng với gia đình thì làng sẽ bị thần linh trừng phạt. Hình phạt đó là mất mùa, đói kém, dịch bệnh, tai họa. Muốn được mọi người và thần linh tha thứ thì người mang tội phải nộp phạt các món lễ vật.
 
Một trong những hành vi được dân làng cho là trọng tội, đó chính là làm mất danh dự gia đình và làng bản. Như vậy, việc chị Ganh có chồng con rồi mà lại bị hãm hiếp làm mất đi danh dự của chồng chị, mất đi danh dự của làng. Người mê tín cho rằng, nghiêm trọng hơn nữa, tội này của chị có thể khiến cho thần linh nổi giận mà giáng tai họa xuống dân làng.

Là nạn nhân nhưng chị Ganh đã không được buôn làng thấu hiểu cảm thông, mà còn bị trách hờn. Chị bị buộc phải nộp cho làng một con lợn hơn 70kg, một con gà trống, một bình rượu cần và một cái nồi lớn. Những thứ này sẽ được dùng để cúng tế thần linh và sau đó mở tiệc mời đãi cả làng. Để có tiền mua lễ vật, chị Ganh phải chạy vạy mượn tiền khắp nơi.
 
Ngày làng tổ chức cúng lễ, chị Ganh phải có mặt để cầu xin thần linh và dân làng tha thứ. Sau khi được “thần linh chứng giám lòng thành”, chị Ganh cùng mọi người mổ heo, gà mở tiệc ăn uống nhảy múa.
 
Dù lòng mang nỗi xấu hổ cùng cực nhưng người phụ nữ này vẫn phải tươi cười niềm nở với mọi người. Càng đáng buồn hơn khi chị phải nhìn thấy dân làng chè chén trên nỗi buồn của mình. Nhà nghèo, lợn, gà trong bữa tiệc đều từ tiền vay mượn, chị biết vậy nhưng vẫn phải cam chịu vì đó là luật tục.
 
Nộp phạt cho làng được vài ngày, chị Ganh lại một lần nữa ngược xuôi vay mượn tiền để nộp phạt cho nhà chồng. Lễ vật là một con lợn, một con gà trống, hai bình rượu cần, một cái nồi, một cái khố, một cái áo. Đến ngày nhà chồng mở tiệc, chị Ganh lại đi mời bà con họ hàng đến dự tiệc.
 
Sau hai lần nộp phạt, tổng cộng số tiền vay mượn của chị là 6 triệu. Số tiền này đối với chị là cả một gánh nặng khổng lồ. Trong nỗi lo về món nợ chưa biết đến bao giờ mới có thể trả, người phụ nữ đáng thương vui niềm vui tội nghiệp.

“Mình vay nợ 6 triệu là còn may mắn đấy, vì làng thương mình nghèo nên chỉ bắt nộp con lợn bé. Chứ theo tục lệ thì ai có tội phải nộp con lợn 1 tạ. Gia đình nhà chồng cũng thương nên cũng không bắt nộp lễ vật nhiều tiền”.
 
Thiệt đơn thiệt kép
 
Sau khi cúng tế thần linh, mở tiệc linh đình, chẳng ai biết được thần linh có tha thứ phù hộ cho dân làng hay không. Nhưng nhìn vào hoàn cảnh gia đình chị Ganh thì ai cũng thấy rõ một điều rằng người phụ nữ này đã mang tiếng xấu lại phải gánh trên lưng số nợ và cuộc sống cùng quẫn.
 
Đã một năm rưỡi trôi qua nhưng vợ chồng chị Ganh vẫn chưa trả được một đồng tiền nợ nào, đó là chưa kể đến việc lãi mẹ đẻ lãi con. Hằng ngày chị lên nương từ sáng sớm đến chiều mới lủi thủi về nhà nhưng vẫn không có tiền dôi dư.
Thiếu phụ bị cưỡng hiếp còng lưng gánh vạ làng - 2
Thủ phạm Hoàng Văn Quân.

Tuy nhiên đó chưa phải là nỗi lo duy nhất của người đàn bà này. Chị Ganh lo âu: “Với 6 triệu đông tiền nợ đó vợ chồng mình chắc làm thuê làm mướn 5 năm sẽ trả hết. Khổ nhiều lắm nhưng số mình vậy rồi giờ không trách ai được. Mình chỉ mong sao dân làng và gia đình được phù hộ. Vì nếu dân làng bị mất mùa đói kém hay tai họa, dịch bệnh gì thì chứng tỏ thần linh không chịu tha thứ cho mình”.
 
Để tránh rơi vào “vết xe đổ” của chị Ganh, chị em phụ nữ đành chỉ biết tránh bị làm hại. Đêm đến mọi nhà đóng cửa cài then, đàn bà con gái ngại ra đường. Có lẽ họ không chỉ sợ những tên đồi bại như Quân mà còn sợ phạm vào tục lệ, sợ bị phạt tội.
 
 Ông Nguyễn Đình Quân, Trưởng Công an xã Kông Lơng Khơng, cho biết: “Chỉ vì một chút sơ ý mà chị Ganh bị hãm hại. Tuy nhiên chính những hủ tục lạc hậu của đồng bào Ba Na mới chính là nguyên nhân khiến chị đã khổ nay còn khổ hơn.
 
Chính quyền địa phương nhiều lần tuyên truyền vận động nhưng bà con vẫn chưa chịu xóa bỏ hủ tục. Việc can thiệp vào những trường hợp như chị Ganh cũng rất khó khăn, vì có lúc cả nạn nhân cũng cho rằng việc mình nộp phạt là… lẽ đương nhiên”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhuận Trí/Pháp luật TP.HCM
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN