Thắng kiện nhưng phải nộp án phí

Dù tuyên phần đất tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình nhưng TAND tỉnh Bạc Liêu vẫn bắt nguyên đơn nộp 40 triệu đồng án phí.

Năm 2009, bà Âu Thu An (ngụ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) khởi kiện bà Lý Ngọc Nương ra TAND TP Bạc Liêu để đòi lại hơn 385 m2 đất tại phường 8, TP Bạc Liêu mà theo bà An thì bà Nương đã lấn chiếm. Tháng 6-2010, TAND TP Bạc Liêu xử sơ thẩm tuyên bà An thắng kiện.

“Quên” tính phí bên thua kiện

Không đồng ý với bản án, bà Nương kháng cáo. Tháng 9-2011, TAND tỉnh Bạc Liêu xử phúc thẩm tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm. Theo HĐXX, trong phần đất tranh chấp chỉ có hơn 23 m2 thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nên đã tuyên buộc bà Nương trả lại cho bà An diện tích đất này. Hơn 362 m2 đất còn lại, HĐXX cho rằng đó là đất lộ giới, thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các cấp nên không xét xử.

Tuy nhiên, HĐXX đã có một quyết định khó hiểu là buộc bà An nộp án phí hơn 44 triệu đồng cho phần yêu cầu đối với hơn 362 m2 đất lộ giới không được giải quyết. Ấm ức vì thắng kiện mà phải nộp án phí, bà An khiếu nại kéo dài cho đến nay.

Thắng kiện nhưng phải nộp án phí - 1

Cho rằng bản án xử sai, bà An từ chối nhận phần đất được thi hành án

Bản án phúc thẩm nói trên của TAND tỉnh Bạc Liêu (do Thẩm phán Lê Thanh Hùng làm chủ tọa) 5 lần phải đính chính vì sai sót về số liệu và tình tiết chưa rõ ràng. Trong đó, ngoài việc tính án phí cho phần yêu cầu không thuộc thẩm quyền như đã nói, HĐXX còn “quên” tính án phí cho phần thua kiện hơn 23 m2 đất của bị đơn là bà Nương.

Còn tranh cãi

Lý giải việc buộc bà An đóng án phí, ông Dương Công Lập, Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu, cho biết theo quy định, những phần yêu cầu nào của đương sự bị bác, nếu thuộc dạng tài sản phải chịu án phí có giá ngạch thì đương sự phải nộp án phí tương ứng cho phần bị bác đó. “Yêu cầu của bà An chỉ được chấp nhận với hơn 23 m2 đất, phần còn lại hơn 362 m2 đã không được chấp nhận nên phải nộp án phí. Phần 362 m2 đất không thuộc thẩm quyền của tòa án nhưng pháp luật chưa có quy định tòa không được tính án phí trong trường hợp này” - ông Lập khẳng định.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ luật Huỳnh Văn Út (Thẩm phán TAND TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), khi xác định yêu cầu khởi kiện đối với phần đất không thuộc thẩm quyền của tòa án thì tòa phải đình chỉ phần không thuộc thẩm quyền của mình và trả lại án phí cho đương sự theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự (BLTTDS).

Cụ thể, tại điểm e khoản 1 điều 168 BLTTDS quy định tòa án trả lại đơn trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Còn khoản 2 điều 192 của luật này quy định tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nếu vụ án thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện quy định tại điều 168.

Về án phí, khoản 7 điều 18 Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án 2009 quy định: Trường hợp việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính bị đình chỉ theo quy định tại khoản 2 điều 192 BLTTDS… thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho người đã nộp tiền tạm ứng án phí. Như vậy, có thể thấy với vụ án dân sự bị tòa đình chỉ giải quyết vì không thuộc thẩm quyền của tòa án thì đương sự sẽ không phải nộp án phí. Trong vụ việc này, TAND tỉnh Bạc Liêu tính án phí với phần yêu cầu không giải quyết vì không thuộc thẩm quyền là sai quy định.

Nhận định về vụ án, luật gia Trần Thanh Giang, Hội Luật gia tỉnh Bạc Liêu, nói: “Tòa giải quyết bao nhiêu thì tính án phí bấy nhiêu. Trong vụ việc của bà An, tòa phúc thẩm chỉ tính án phí đối với phần đất hơn 23 m2 mà mình giải quyết mới đúng luật. Phần này đương nhiên bên thua kiện là bà Nương phải chịu. Trong vụ án này, cấp phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng dân sự”. Đồng tình, luật sư Lê Thanh Thuận, Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau, nhận định: “Bản án này cần được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để khắc phục sai sót”.

Từ chối được thi hành án

Nhận thấy bản án có nhiều khuất tất, bà An nhiều lần gửi đơn yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bạc Liêu xin chưa nhận phần đất hơn 23 m2 với lý do chưa được tòa án giải quyết yêu cầu về án phí và phần đất hơn 23 m2 tòa buộc bà Nương trả cho bà chưa đúng với hiện trạng. Cụ thể, theo bản án, phần đất này có hướng Bắc giáp với đất của bà Nương nhưng trên thực tế thì giáp với đất của ông Quách Quang.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Thuần, Cục phó Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị và họp liên ngành xung quanh phản ánh của đương sự về nội dung bản án. Đại diện TAND tỉnh Bạc Liêu khẳng định bản án xử không sai, đã có hiệu lực pháp luật nên chúng tôi buộc phải thi hành”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Duy Nhân (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN