Thẩm tra các yêu cầu bồi thường của ông Huỳnh Văn Nén

“Hiện chúng tôi đang tiến hành thẩm tra các hạng mục trong đơn yêu cầu bồi thường của ông Nén để có cơ sở thương lượng bồi thường” - thẩm phán Trần Thị Thiên Hương cho biết.

Thẩm tra các yêu cầu bồi thường của ông Huỳnh Văn Nén - 1

Từ trái sang: ông Nguyễn Thận, luật sư Phạm Công Út, ông Huỳnh Văn Nén và vợ tại TAND tỉnh Bình Thuận trong lần làm việc cuối tháng 4

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 2-5, thẩm phán TAND tỉnh Bình Thuận Trần Thị Thiên Hương (người được giao nhiệm vụ giải quyết vụ bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén) cho biết theo quy định, sau 100 ngày kể từ khi thụ lý đơn yêu cầu bồi thường của công dân, việc bồi thường phải hoàn thành. “Hiện chúng tôi đang tiến hành thẩm tra các hạng mục trong đơn yêu cầu bồi thường của ông Nén để có cơ sở thương lượng bồi thường” - thẩm phán Trần Thị Thiên Hương cho biết.

Đơn yêu cầu bồi thường của ông Huỳnh Văn Nén được TAND tỉnh Bình Thuận thụ lý hôm 25-4.

Sau khi TAND tỉnh Bình Thuận chính thức thụ lý đơn của ông Nén, cơ quan này đã có buổi làm việc với ông Nén và một số người có liên quan là bà Nguyễn Thị Cẩm (vợ ông Nén), ông Nguyễn Thận (một trong 2 người được ông Nén ủy quyền yêu cầu bồi thường; người còn lại là ông Huỳnh Văn Truyện, cha ông Nén) và luật sư Phạm Công Út (thay mặt cho nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Nén).

Ông Thận cho biết TAND tỉnh Bình Thuận chỉ chấp nhận bồi thường 15 năm 5 tháng 5 ngày ông Nén bị tù oan (tính từ ngày bị bắt giam 17-5-1998) và 36 ngày được tại ngoại (từ 22-10-2015 đến 28-11-2015). Đối với khung hình phạt 2 năm tù giam về tội “Cố ý hủy hoại tài sản” theo bản án ngày 31-8-2000 của TAND tỉnh Bình Thuận, hiện ông Nén đã gửi đơn đến VKSND Tối cao đề nghị giám đốc thẩm vì ông Nén cho rằng bị oan sai.

Bà Hương nói theo quy định bồi thường oan sai, ông Nén phải cung cấp đầy đủ các chứng từ, hóa đơn chứng minh thiệt hại. Do vụ án xảy ra đã quá lâu nên việc lưu giữ chứng từ quả là khó cho những người thân của ông Nén.

“Chúng tôi hiểu điều đó nên TAND tỉnh Bình Thuận không đánh đố ông Nén. Tuy nhiên, để có cơ sở bồi thường, ít ra những người thân của ông Nén phải chứng minh được từng khoản yêu cầu bồi thường. Ví dụ ông Truyện hoặc ông Thận nói phải chi phí để ra các cơ quan trung ương ở Hà Nội kêu oan thì phải cung cấp được những giấy tờ có liên quan, như: thông báo nhận đơn, trả lời đơn kêu oan của những cơ quan này hoặc bán tài sản thì phải có người mua, giấy tờ mua bán…” - bà Hương giải thích.

Theo ông Nguyễn Thận, qua 2 lần làm việc giữa TAND tỉnh Bình Thuận với ông Nén và những người liên quan, bước đầu cơ quan này tỏ rõ thiện chí trong việc bồi thường oan sai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Trường ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN