Thâm nhập “Thánh địa sung sướng” ở Ấn Độ

Sự kiện: Muôn mặt mại dâm

Trong nhiều thế hệ có một ngôi làng ở Ấn Độ đang tồn tại một phong cách sống kỳ lạ đó là nghề “bán trôn nuôi miệng”, bằng chứng là phụ nữ ở cái làng này đi khắp đất nước hoặc ở lại chính ngôi làng để làm nhiệm vụ mua sự sung sướng cho đàn ông. Tất nhiên họ cũng kiếm tiền bằng công sức mình đã bỏ ra và cái nghề này mặc nhiên tồn tại và hoàn toàn không bị coi khinh. Không chỉ có phụ nữ trong làng hành nghề mại dâm, khi đã cao tuổi, họ còn “chân truyền” cho con gái để họ tiếp bước kiếm ăn như mẹ chúng đã làm.

Đau đớn “thánh địa sung sướng” ở Ấn Độ

Nat Purwa là một ngôi làng ở bang Uttar Pradesh của Ấn Độ, nơi này nằm cách tỉnh lị Lucknow chỉ 2 giờ lái xe. Vào mỗi buổi sáng, cảnh người ta thường thấy là có đến hàng tá thiếu nữ trẻ tuổi vận y phục rách rưới đang đứng vẻ như chầu chực dọc theo các tuyến phố đầy bụi đất. Không khó để có thể nhìn thấy những cái bụng ỏng, suy dinh dưỡng của những đứa con họ. Chẳng mấy chốc lũ trẻ biến mất vào các cánh đồng, xua đuổi bầy gia súc đi lạc. Giống như các ngôi làng khác xung quanh đây, làng Nat Purwa, mại dâm đã trở thành một nghề mang tính chất “cha truyền con nối”, được truyền từ thế hệ phụ nữ này sang thế hệ phụ nữ khác, cứ đời nối đời, người mẹ sau khi hết “date” sẽ “chân truyền” nghề cho chính các con gái của mình. Khi Chandralekha được 15 tuổi, bà bước chân vào “làm nghề” như bao cô gái khác trong làng. Trên hãng tin AL Jazeera, Chandralekha giải thích về cái nghề mà bà đang dấn bước nghe có vẻ ngây thơ và cay đắng rằng: “Bà ngoại tôi nói: Cả cái làng này đều hành nghề mại dâm. Liệu có khác biệt gì khi cháu hòa nhập vào cái thế giới này? Chính bà ngoại đã dắt tay tôi từ những ngày đầu chập chững hành nghề”.

Với khuôn mặt chằng chịt vết nhăn của người phụ nữ ở độ tuổi 50, Chandralekha thấm thía trần tình về cuộc đời khổ ải của bà: “Đời tôi là một bộ phim dài tập buồn tủi và day dứt. Tôi đã “qua đêm” với lần lượt 6 người đàn ông trong lần “thử nghiệm” buổi đầu. Hàng ngàn người đàn ông đã đến với chỉ một người phụ nữ. Ngay từ lúc bắt đầu hành nghề, tôi đã cảm thấy nhục nhã khi bị xem là món đồ giải trí trong tay những khách làng chơi lắm tiền. Nhưng tôi không thể bỏ nghề được, cái dạ dày sôi lên vì đói đã níu kéo tôi buộc phải tiếp tục hành nghề”. Nhưng rồi chịu không thấu khi nhiều lần bị lạm dụng tình dục, Chandralekha đã quyết định đoạn tuyệt cái nghề mà bà đã dấn thân suốt nhiều năm qua. Người đàn bà bất hạnh nói: “Tôi nhận ra rằng với cánh đàn ông, tôi chỉ là thứ đồ giải trí tầm thường, cốt chỉ để thỏa mãn dục vọng của họ, hoàn toàn không có bất kì sự tôn trọng nào cả. Con điếm thì luôn là một con điếm”. Trong suốt nhiều thập kỉ, những phụ nữ trong cộng đồng Nat đã sống một cuộc đời chịu quá nhiều thiệt thòi. Trước khi mại dâm được xem là môt nghề và được xem như là một tiêu chuẩn hành nghề “bằng vốn tự có” để kiếm miếng cơm, trong cộng đồng Nat đã có lịch sử là những người làm nghề mua vui, giải trí cho xã hội, và một số người vẫn tiếp tục giữ vững truyền thống này như Chandralekha và hàng ngàn phụ nữ khác từ ngôi làng Nat Purwa, một nhánh dân cư thuộc cộng đồng dân cư Nat.

Thâm nhập “Thánh địa sung sướng” ở Ấn Độ - 1

Nhưng tôi không thể bỏ nghề được, cái dạ dày sôi lên vì đói đã níu kéo tôi buộc phải tiếp tục hành nghề” (ảnh minh họa)

Vào năm 1871, Đạo luật bộ lạc hình sự (CTA) đã được ban hành dưới thời kì người Anh cai trị Ấn Độ, trong đó phân loại rằng có một số bộ lạc đang tham gia vào các “sinh hoạt phạm tội”. Cộng đồng Nat vì thế bị lọt vào tầm ngắm như là một trong những bộ lạc có hành vi “phạm tội”. Bà Madhu Kishwar, biên tập viên tờ báo Manushi kiêm diễn đàn về quyền phụ nữ, giải thích rằng: “Họ (người Nat và các bộ lạc phạm tội khác) được ám chỉ là các vũ công, diễn viên nhào lộn, nghệ sĩ tung hứng và các bậc phù thủy. Trong suốt thời kì thuộc địa, người Anh đã đặt ra ngoài vòng pháp luật các hoạt động của họ. Họ thường bị đánh đập, bắt giữ bị nhốt và các hành vi ngược đãi vẫn còn tiếp diễn. Chính các hành vi cực đoan này của nhà cầm quyền Anh đã phần nào làm cạn kiệt nguồn sinh kế của họ, đặc biệt là không còn cơ hội để kiếm ăn đối với người phụ nữ. Vì vậy, cực chẳng đã, họ buộc phải bó chặt mưu sinh bằng nghề mại dâm”. Bà Madhu Kishwar nói thêm rằng trong suốt hơn 6 thập niên sau khi Ấn Độ giành được độc lập từ tay người Anh, khuôn khổ luật pháp của nước sở tại vẫn xem cộng đồng Nat nhiều thiệt thòi là một “lăng kính văn hóa của thời kì thuộc địa”. Qua hãng tin AL Jazeera, bà Mishwar nói: “Tôi đã đệ trình trường hợp của người Nat lên Tòa án tối cao. Đó là một hành trình dài nhưng tôi quyết không bỏ cuộc. Tôi nghĩ rằng cần có một sự thay đổi lớn về “tư duy thực dân” trong người dân Ấn nhằm tạo ra một thay đổi thực sự trên đất nước này”.

Một hiện tượng tình dục của Ấn Độ?

Làng Nat Purwa không phải là nơi duy nhất nghề mại dâm truyền thống. Tiến sĩ hàn lâm Anuja Agrawal, người có nhiều năm nghiên cứu về đề tài nhạy cảm này, cho hay rằng thật khó để xác định chính xác có bao nhiêu “làng mại dâm” trên khắp đất nước Ấn Độ. Bà Anuja Agrawal giải thích: “Các “làng sung sướng” phân bố rộng khắp các bang Uttar Pradesh, Madhya Pradesh và Rajasthan. Và giống như cộng đồng Nat, thì những cộng đồng khác như Bedia, Faasi và Banjar cũng hành nghề này. Mại dâm được xem là một chiến lược sống còn trong số các cộng đồng dân cư này”. Bà Anuja Agrawal cho hay rằng tất cả các cộng đồng này đều có chung một sợi dây liên kết: “Họ chia sẻ một quá khứ đặc biệt. Tất cả họ đều là những bộ lạc du mục, những người đã định cư trong các ngôi làng nhỏ”. Trong quyển sách của mình mang tựa đề “Phụ nữ di cư và nghề nghiệp”, bà Anuja Agrawal viết về phụ nữ trong cộng đồng Bedia và “tính hướng” của họ đối với hoạt động mại dâm. Có một “không gian gia đình” cho nghề kiếm ăn này.

Không chỉ phụ nữ mà ngay cả cánh đàn ông cũng tham gia vào hoạt động mại dâm để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Không chỉ miền Bắc và miền Trung, mà ngay cả miền Nam Ấn Độ, truyền thống Devadasi vẫn đảm bảo rằng công việc tình dục là nghề nghiệp chính cho các phụ nữ tại những cộng đồng dân cư ở đây. Trong suốt thời kì Tiền thuộc địa, Devadasi thường là các vũ công biểu diễn tại các ngôi đền, những người được cho là đã “kết hôn” với các vị thần trong các ngôi đền. Thế nhưng, sang thời cai trị của người Anh, những vũ công biểu diễn Devadasi bị xem là một hành vi phạm tội, khi các nam giới Devadasi bị cấm biểu diễn thì cánh phụ nữ buộc phải “bán thân” để kiếm miếng ăn cho gia đình. Kể từ đó, nghề tình dục được xem là “nghề truyền thống” tại những cộng đồng dân cư này. Qua nhiều năm, phụ nữ tại các cộng đồng này đã di cư đến các trung tâm đô thị lớn như Delhi, Mumbai, Kolkata và thậm chí khá đông phụ nữ Ấn đã bay sang các đô thị phồn thịnh như Dubai để “hành nghề”.

Thâm nhập “Thánh địa sung sướng” ở Ấn Độ - 2

“Tôi nhận ra rằng với cánh đàn ông, tôi chỉ là thứ đồ giải trí tầm thường, cốt chỉ để thỏa mãn dục vọng của họ, hoàn toàn không có bất kì sự tôn trọng nào cả. Con điếm thì luôn là một con điếm” (ảnh minh họa).

Bà Anuja Agrawal khẳng định: “Ngay cả nếu bạn đi đến các nhà thổ và các khu “đèn đỏ” tại những khu đô thị lớn, bạn sẽ tìm thấy những phụ nữ đến từ các “cộng đồng tình dục” đang hành nghề. Một nghiên cứu đã ước tính rằng có khoảng hơn 1% phụ nữ trưởng thành ở Ấn Độ có thể tham gia vào nghành công nghiệp tình dục. Chính phủ Ấn cũng dã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để phục hồi nhân phẩm cho những nữ công nhân tình dục đồng thời bảo vệ cho con cái của họ. Tháng 10/2012, chính quyền New Delhi đã đưa ra một đề xuất về một chương trình chung cho các công nhân tình dục. Bà Ratna Prabha từ Bộ Phát triển phụ nữ và trẻ em Ấn Độ (MWCD) cho biết: “Thực chất, chúng tôi chỉ mới bắt đầu làm việc với các công nhân tình dực từ những cộng đồng chịu nhiều thiệt thòi. Tại những bang như Maharashtra, Andhra Pradesh và Karmataka, chúng tôi đã bắt đầu làm một cuộc khảo sát trực tiếp. Chúng tôi đang cố gắng tìm ra các nhu cầu về sức khỏe, giáo dục, nhà ở và các nhân tố kinh tế khác của họ. Chúng tôi cũng đang tìm hiểu nhu cầu từ con cái của họ hoặc điều tra về thứ mà họ muốn khi đã có tuổi. Trong tất cả các bang này, chúng tôi cùng chung tay làm việc với chính quyền bang và các tổ chức phi chính phủ danh tiếng”.

Xóa bỏ sự kì thị về “ngôi làng con hoang”

Chúng tôi trở lại làng Nat Purwa, lũ trẻ đang vô tư nô đùa trên các cánh đồng. Khi được hỏi tên, lũ trẻ chỉ nói được tên gọi do cha mẹ chúng gọi, còn họ thì quên tiệt hoặc ậm ừ bảo chẳng biết. Có lẽ lũ trẻ cũng chẳng biết gì thật. Làng Nat Purwa từ rất lâu rồi bị người ta kì thị gọi bằng cái tên chẳng dễ nghe chút nào: ngôi làng con hoang. Đơn cử như anh Ram Babu, một nhà nghiên cứu đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở địa phương gọi là Qũy sự thật Asha, nói rằng mình từng phải đối mặt với nỗi sỉ nhục từ phía xã hội khi Ram Babu ngậm ngùi nói: “Cậu là con của ai? Có phải cậu là con trai của gái điếm? Chắc chắn cậu là một đứa con hoang? Không một ai biết đích xác về cha của đứa trẻ. Đây là những câu hỏi xoáy óc mà hết thảy chúng tôi đều phải đối mặt. Tôi chắc chắn những đứa trẻ như tôi đều bị tổn thương sâu sắc bởi những câu hỏi kiểu đó”.

Mặc dầu vậy, theo quan điểm của Ram Babu thì cách tốt nhất để xóa bỏ “thành kiến con hoang” là phải làm việc năng nổ nhằm hướng tới một tương lai tốt hơn. Trên hãng tin Al Jazzera, Ram Babu nói: “Ít nhất 30% phụ nữ trong làng Nat Purwa vẫn đang hành nghề mại dâm. Nếu bạn muốn thấy được sự tiến bộ rõ rệt, cách tốt nhất là bạn nên cung cấp cho họ một chiếc cần câu cơm. Nếu họ nhận thấy chiếc “cần câu cơm” đó có thể nuôi sống được bản thân thì tất cả sẽ tự động từ bỏ nghề mại dâm. Theo ý tôi, thiếu sót trong khâu tuyên truyền, giáo dục đang làm chậm quá trình đổi mới nhận thức. Đó là một vấn đề lớn ở đây. Khi không có tuyên truyền và giáo dục, tất cả đều có thể sa cơ lỡ bước, lầm đường lạc lối”.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thanh Hải (theo AJE) (Đang Yêu)
Muôn mặt mại dâm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN