Sự thức tỉnh của sát nhân sau 20 năm trốn chạy

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 2 3 4 56

Có một điều kì lạ là khi nhận bản án 13 năm tù, tôi không hề thấy sợ hãi như đã tưởng. Trái lại, tôi thấy thanh thản và nhẹ nhõm - cái sự thanh thản mà suốt 20 năm trốn chạy, tôi chưa từng có được.

LTS: Khi gây ra vụ cướp của giết người năm 1985, Đặng Bình An mới 16 tuổi. Và khi ấy, trốn chạy là cách An đã lựa chọn để đối diện với những việc mình làm. 20 năm sau cuộc trốn chạy đó, khi trở thành một người đàn ông xấp xỉ 40 tuổi, An đã đột ngột đi đầu thú, để chuộc lỗi với người cha già đã khuất, thực hiện di nguyện cuối cùng của ông trước lúc nhắm mắt xuôi tay.

Tội lỗi của một thời nông nổi

Khi tôi quyết định ra đầu thú cách đây 7 năm, tôi đã có một cuộc sống ổn định bên một người vợ dịu dàng, đảm đang và 2 đứa con xinh xắn. Nhưng khi đó - sau 20 năm chạy trốn, tôi đã hiểu rằng, hạnh phúc mà tôi đang có sẽ mãi không trọn vẹn, nếu tôi không trả xong món nợ của cuộc đời mình - món nợ tôi đã gây ra từ thời trẻ tuổi bồng bột và thiếu suy nghĩ.

Là con út trong một gia đình kinh tế khá giả, nên ở tuổi 16, ngay cả trong những năm tháng đất nước khó khăn nhất, tôi vẫn không phải trải qua cảnh đói khổ, thiếu thốn như nhiều người bạn khác cùng trang lứa. Tất cả những gì tôi phải làm khi đó chỉ là học tập thành người để không phụ sự kỳ vọng của bố mẹ. Nhưng năm đó, ở cái tuổi mới lớn non nớt và bồng bột, tôi đã mắc sai lầm lớn nhất cuộc đời mình - sai lầm đã khiến tôi bước thêm những bước đi sai lầm trong suốt 20 năm sau này.

Ngày ấy, vì được cha mẹ quá chiều chuộng, tin tưởng, tôi đã bắt đầu giao du với những cậu bạn ngỗ nghịch cùng trường. Thường xuyên tụ tập với những người bạn không lấy gì làm tốt đẹp ấy, tôi cũng phải chứng tỏ bản lĩnh của mình, để không bị coi là "quý tử trong lồng kính". Nếu trước đó tôi chưa bao giờ biết đánh nhau, biết gây gổ với bạn bè, thì từ khi chơi với những người bạn này, tôi đã biết đánh đập, đe dọa những người khiến tôi và lũ bạn cảm thấy ngứa mắt. Tôi hút thuốc, bỏ học và cùng với cả nhóm chặn đường những em học sinh lớp dưới chỉ để trêu ghẹo, bắt nạt, "trấn lột" vài thứ nhỏ nhặt, cốt sao để thể hiện "uy lực" của mình. Những lần đầu tiên làm những việc không hay ho đó, tôi không lấy gì làm thoải mái. Nhưng dần dà, được sự cổ vũ nhiệt tình của cả nhóm, máu côn đô đã ăn sâu vào người tôi lúc nào không hay. Tôi đã từng có lúc tự hào về việc mình là một thành viên của cái "băng lưu manh" nhí ấy.

Cũng chỉ vì muốn chứng tỏ sự "anh hùng'' của mình, nên tôi đã phạm phải một tội lỗi tày trời mà chính tôi - đến tận bây giờ - cũng không thể hình dung ra rằng mình đã từng có đủ gan làm việc đó. Một ngày nọ, thằng H. - "đại ca" của cả nhóm nói: Tao thách trong số chúng mày, đứa nào đủ gan đi trấn một chiếc xe đạp về đây, tao sẽ phong làm "phó tướng". Vốn đã quen với việc giật đồ của những kẻ yếu thế hơn, lại thích được khẳng định mình, được tung hô, tôi đã mạnh miệng tuyên bố mình sẽ thực hiện vụ đó. Chiều tối hôm đó, tôi và một đứa khác trong nhóm đã chặn ở một khúc đường vắng, để chặn đánh một đứa học sinh cùng trường có xe đạp thường xuyên đi về qua đoạn đường này.

Như thường lệ, chúng tôi chỉ dọa nạt một chút là những kẻ bị bắt nạt lập tức sẽ phải giao nộp những thứ chúng tôi muốn. Nhưng ngày đó, chiếc xe đạp là cả một tài sản lớn. Cậu bạn học bị chúng tôi chặn đường dọa cướp xe vì quá xót của nên đã kháng cự dữ dội. Cậu bạn đó nhỏ người, yếu ớt, còn hai chúng tôi đều to khỏe. Ở thế "thừa thắng xông lên", chúng tôi đã hò nhau vào đánh cậu bạn ấy, với mục đích cảnh cáo cậu ta. Dự định của chúng tôi chỉ là cho cậu ta một bài học. Nhưng vì quá hiếu chiến, chúng tôi đã lỡ tay đánh chết cậu ấy.

Khi biết mình đã gây ra họa lớn, cả tôi và đứa bạn đi cùng đều mặt cắt không còn một giọt máu. Hai đứa giấu xe đạp vào một cái bụi rậm gần đó rồi đứa nào về nhà đứa nấy. Tối hôm đó, trong lúc tôi đang còn rối bời, thì cậu bạn kia đã thú nhận toàn bộ tội lỗi với bố mẹ cậu ấy. Bố mẹ cậu ấy đưa cậu ấy đến nhà tôi, thông báo tin dữ cho bố mẹ tôi và cùng bố mẹ tôi bàn bạc cách giải quyết. Lúc nghe cái tin sét đánh đó, mẹ tôi đứng không vững, còn bố tôi quay lại nhìn tôi với ánh mắt đau đớn và nói duy nhất 1 từ: "Nghịch tử!". Cả hai gia đình đã quyết định đưa chúng tôi ra đầu thú, để được sự khoan hồng của pháp luật.

Đêm hôm đó, khi động viên tôi đi ngủ để lấy tinh thần, ngày mai đến cơ quan công an trình diện, bố tôi đã nói: "Bố mẹ đã không dạy được con, thì đành để pháp luật dạy con. Con sẽ phải học cách trả giá cho những việc mình đã gây ra". Nhưng tôi đã không nghe lời khuyên của bố. Tôi không đủ can đảm đối diện với những sai lầm của mình. Tôi sợ bị trừng phạt. Tôi cũng không muốn rơi vào con đường tù tội. Vì thế ngay đêm đó, tôi đã lén ăn cắp một số nữ trang của mẹ tôi rồi lên đường bỏ trốn, bắt đầu hành trình trốn chạy của mình.

Lời trăn trối của cha và điểm kết thúc của cuộc trốn chạy 20 năm

Năm đó, trên đường chạy trốn, tôi đã chọn TP.Hồ Chí Minh làm điểm dừng chân của mình, vì nghĩ rằng ở đây đất chật, người đông, sẽ chẳng ai để ý đến mình. Sau biến cố đó, tôi đã hoàn toàn thay đổi. Cậu quý tử được yêu chiều trong con người tôi đã biến mất, thay vào đó là một con người già dặn, toan tính, lúc nào cũng lo lắng, sợ hãi. Ngày xưa ở nhà, chưa bao giờ, tôi phải nghĩ đến chuyện cơm áo. Nhưng từ khi sống cuộc đời trốn chạy, tôi đã biết lo lắng cho những ngày sắp tới, vì hiểu số tiền trong người mình rồi cũng sẽ có ngày hết. Lo lắng cho thân phận của mình sẽ bị bại lộ, tôi tìm cách làm một cái CMND giả. Có một vỏ bọc hợp pháp, tôi bắt đầu tự lao động kiếm sống để nuôi chính bản thân mình.

Suốt mấy năm trời vừa phải bươn chải để tự lo cho bản thân, vừa day dứt với những lỗi lầm trong quá khứ của mình, đã có những đêm tôi sợ hãi đến tuyệt vọng và nhớ nhà đến quay quắt. Nhưng tôi không sao lấy đủ can đảm trở về gặp bố mẹ, bởi tôi sợ nếu tôi trở về, bố tôi sẽ bắt tôi đi đầu thú. Vì nỗi sợ hãi đó, phải đến 7 năm sau khi bỏ trốn, tôi mới dám liên lạc với bố mẹ mình.

Lần đầu tiên sau 7 năm mới được nói chuyện với bố mẹ, tôi nhớ mình đã mừng rơn lên như một đứa trẻ được mẹ cho quà khi đi chợ về. Tôi hết đòi nói chuyện với mẹ, lại đòi nói chuyện với bố, vừa nói vừa khóc nức nở. Quá nhớ bố mẹ, tôi còn cho bố mẹ địa chỉ của mình, hi vọng bố mẹ sẽ cất công vào miền Nam thăm tôi. Nhưng sau khi có địa chỉ của tôi rồi, bố tôi đã nói rằng ông sẽ vào miền Nam thăm tôi rồi đưa tôi về quê đầu thú. Tôi đã bỏ trốn 7 năm trời, nên càng không thể chấp nhận được việc mình sẽ đi tù. Một lần nữa, tôi lại không nghe lời khuyên của bố. Khi kết thúc cuộc trò chuyện với bố mẹ, tôi lẳng lặng thu dọn đồ đạc rồi chuyển đến một nơi khác sinh sống, vì lo sợ bố tôi sẽ báo công an đến bắt tôi về.

Chối bỏ những lời khuyên bảo của bố, nên suốt nhiều năm tiếp theo, tôi không hề liên lạc về với gia đình, chỉ bởi tôi lúc nào cũng lo sợ bố tôi sẽ lại tiếp tục yêu cầu tôi đi đầu thú. Tôi cũng sợ chính tôi sẽ có lúc mềm lòng trước lời khuyên của bố. Bởi trong thâm tâm, tôi hiểu hơn ai hết, tôi đang phải chịu sự giày vò từng ngày với tội lỗi của mình. Tôi đã hi sinh sự đoàn tụ với gia đình, với bố mẹ và những người chị, để đánh đổi lấy tự do trong đau khổ.

Năm 1995, tôi lấy vợ rồi sinh con. Đám cưới của tôi không có cha mẹ, không có họ hàng. Khi gia đình vợ thắc mắc, tôi chỉ ngắn gọn nói mình là trẻ mồ côi không nơi nương tưa. Vợ tôi đã tin điều tôi nói, nên chẳng bao giờ thắc mắc về việc tôi không bao giờ đưa cô ấy và các con về thăm quê. Hai vợ chồng tôi không giàu nhưng cũng không nghèo. Nhờ chịa khó làm ăn, buôn bán, nên cuộc sống gia đình tương đối ổn định. Sống dưới một thân phận khác, dù đã có một gia đình hạnh phúc, tôi vẫn không hề thấy lòng thanh thản.

Nhưng lúc đau đớn nhất với tôi là khi đứa con nhỏ của tôi hỏi bố ơi, sao con có ông bà ngoại mà lại không có ông bà nội? Vì sự ích kỷ của mình, tôi đã tước đoạt của con tôi cái quyền được có quê hưởng, gốc gác, có ông bà và được ông bà yêu thương như những đứa trẻ khác. Tôi đã lừa dối vợ con suốt nhiều năm trời, nhưng không lừa dối được chính lương tâm của mình.

Năm 2005, rất nhiều năm sau lần liên lạc về nhà duy nhất và cuối cùng, tôi mới lại có đủ can đảm gọi điện về nhà. Nói chuyện với mẹ qua điện thoại, tôi ứa nước mắt nhận ra mẹ mình đã già, giọng nói đã nhuộm vẻ yếu ớt và mệt mỏi. Nhưng nếu như tôi còn may mắn vì được nói chuyện với mẹ, thì tôi cũng đã mất đi vĩnh viễn cơ hội được nói chuyện và được gặp cha mình, bởi trước đó 4 năm, cha tôi - sau rất nhiều năm chờ đợi mòn mỏi đứa con của mình thức tỉnh và trở về - đã ốm nặng và qua đời. Mẹ tôi kể, những giờ phút cuối cùng nằm trên giường bệnh, ông chỉ gọi tên tôi và khóc. Câu cuối cùng ông nói với mẹ tôi trước khi nhắm mắt là: "Khi nào nó về, bà hãy bảo nó ra đầu thú. Không trả xong nợ đời, thì không thể làm người được đâu". Đó là lời trăn trối cuối cùng mà ông dành cho tôi - đứa con út tội lỗi của mình.

Suốt 20 năm trốn chạy, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ có một ngày tôi phải đối diện với sự thật này: đó là nỗi đau mất cha và không được về chịu tang cha, làm tròn chữ hiếu cuối cùng của một người con với cha mình. Vì sự ích kỷ và hèn nhát của mình, tôi đã trở thành một đứa con bất hiếu, với những sai lầm nối tiếp sai lầm. Đến lúc đó tôi mới hiểu, không phải sự tù tội, mà chính việc phải mất đi hạnh phúc bên gia đình mình, mới là cái giá đắt nhất tôi phải trả cho những sai lầm của mình.

Đêm hôm đó, lần đầu tiên tôi đã thú nhận với vợ con mình về cuộc đời thật sự của mình, rằng tôi không phải một đứa trẻ mồ côi, không có quê hương, bản xứ. Tôi có bố có mẹ, có các chị, có những người thân yêu, có gia đình. Nhưng tôi đã hi sinh nó, để trốn chạy tội lỗi của mình. Ngay đêm hôm đó, tôi đã đưa vợ con mình về quê để thắp hương cho cha. 20 năm trước, tôi ra đi trong tâm thế của một kẻ tìm mọi cách để trốn chạy. 20 năm sau, khi trở vế, tôi hiểu mình phải thực hiện lời dặn của cha: đối diện với những tội lỗi của mình và chịu trách nhiệm với nó. Chỉ một ngày sau khi trở về nhà, sau khi thắp hương cho cha, nói lời xin lỗi với mẹ và dặn dò với vợ con, tôi đã đến công an để đầu thú.

Có một điều kì lạ là khi nhận bản án 13 năm tù, tôi không hề thấy sợ hãi như đã tưởng. Trái lại, tôi thấy thanh thản và nhẹ nhõm - cái sự thanh thản mà suốt 20 năm trốn chạy, tôi chưa từng có được. Tôi đã chấp nhận cuộc sống tù tội, như một cách chuộc lỗi với người cha đã mất, như một cách để tự trừng phạt mình. Nhưng đó cũng là cách tôi tự mở ra cho mình một cơ hội mới, một cuộc sống mới, khi tôi sẽ được là chính tôi trong suốt những năm tháng sau này.

Ghi theo lời kể của phạm nhân Đặng Bình An - Trại giam Tân Lập.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 2 3 4 56

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đang Yêu
Sát nhân hàng loạt với 4 án chung thân Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN