Nuốt quả chát đắng vì tin người trên mạng

Được đánh giá là loại tội phạm nguy hiểm thứ 2 sau tội phạm khủng bố, tội phạm sử dụng công nghệ cao đang thực sự là mối nguy hiểm, gây ra những hậu quả, thiệt hại lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội.

Chỉ cần chiếc máy tính hoặc điện thoại kết nối internet, các đối tượng phạm tội có thể thực hiện nhiều hành vi phạm tội với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nghiêm trọng

Gần 10 tỷ đồng là số tiền mà 2 nhóm đối tượng giả danh cán bộ Công an gọi điện để lừa đảo được của các bị hại bị lực lượng Công an phát hiện. Chỉ với một số thiết bị viễn thông, các đối tượng đã giả danh cán bộ Công an đe doạ bị hại rằng họ liên quan đến các đường dây ma tuý xuyên quốc gia, yêu cầu bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng để “đặt cọc”, sau khi “cơ quan Công an” điều tra, nếu không tham gia vào đường dây ma tuý thì sẽ trả lại. 

Tuy nhiên, ngay khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng lập tức rút, tắt máy. Điển hình là nhóm đối tượng do Nguyễn Văn Toàn, 30 tuổi, trú ở xã Đông Xá, Vân Đồn, Quảng Ninh cầm đầu. Toàn chỉ đạo Trần Thế Quynh, 23 tuổi, trú ở xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh và Đàm Trọng Nghĩa, 35 tuổi, trú xã Lương Năng, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn mở 15 tài khoản tại các ngân hàng ở tỉnh Quảng Ninh để nhận tiền của người bị lừa đảo. 

Theo đó, hàng ngày, các đối tượng câu kết với nhau gọi điện, đe doạ bị hại để chiếm đoạt tiền. Chỉ tính từ ngày 6-6 đến ngày 15-6-2017, chúng đã lừa được 37 trường hợp bị lừa, trong đó có 8 trường hợp đã chuyển tiền cho chúng với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.

Nuốt quả chát đắng vì tin người trên mạng - 1

Cơ quan Công an thi hành lệnh bắt đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao.

Cũng với thủ đoạn trên, từ tháng 5-2017 đến tháng 6-2017, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện một nhóm đối tượng sử dụng điện thoại di động và mạng internet gọi điện lừa đảo hàng chục nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, chiếm đoạt gần 8 tỷ đồng. 

Đặc biệt, đối tượng cầm đầu chủ mưu trong đường dây trên là Nông Thiên Vượng, quốc tịch Trung Quốc đã chỉ đạo các đối tượng ở Việt Nam thuê người mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau. Khi các nạn nhân chuyển tiền, những đối tượng ở Việt Nam rút tiền và đưa cho một đối tượng trung gian để chuyển ra nước ngoài. 

Cơ quan điều tra đã làm rõ, Nông Thiên Vượng điều hành hoạt động lừa đảo chủ yếu qua mạng internet, điện thoại di động có đầu số nước ngoài ở Cuba, Philippines.

Bị hại mà nhóm đối tượng này nhắm đến là các nạn nhân nữ, cao tuổi, dễ lộ lọt thông tin cá nhân để tiếp cận đưa thông tin hăm dọa gây tâm lý hoang mang lo sợ cho các nạn nhân. Bước đầu, Cơ quan công an đã làm rõ, nhóm đối tượng trên đã lừa đảo hàng trăm nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Lãnh đạo Cục C50 cho biết tình trạng đối tượng có hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn giả mạo nhân viên nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, gọi điện tới khách hàng nhắc nợ cước điện thoại với số tiền lớn, chúng yêu cầu thanh toán ngay nếu không sẽ tạm dừng liên lạc và đe dọa khởi kiện ra tòa và giả mạo các cơ quan Công an, Tòa án, Hải quan... bằng cách cho số điện thoại của Bộ Công an hoặc Công an một tỉnh, thành phố để đe doạ nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền là khá phổ biến. 

Theo đó, chúng sử dụng hình thức gọi VoIP (điện thoại trên nền Internet) chèn dãy ký tự để giả mạo số điện thoại khiến nạn nhân tin tưởng đó là số của cơ quan tư pháp.

Hình thức lừa đảo khá phổ biến, khiến hàng loạt nạn nhân mắc bẫy như tội phạm mạo danh là người nước ngoài gọi điện, nhắn tin làm quen trên mạng xã hội, hứa gửi tiền, quà tặng có giá trị (ngoại tệ, kim cương), sau đó chúng tiếp tục giả mạo là nhân viên hải quan gọi điện yêu cầu nạn nhân chuyển tiền làm thủ thục thông quan. Khi nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng chỉ định, các đối tượng này sẽ chiếm đoạt, có nhiều nạn nhân bị lừa đảo số tiền lên đến hàng tỷ đồng. 

Thủ đoạn này đã diễn ra từ khá nhiều năm trước, cơ quan Công an đã bắt giữ hàng chục vụ với nhiều đối tượng nhưng vẫn rất nhiều nạn nhân mắc bẫy.

Một trong những nạn nhân của bọn tội phạm trên là chị Ngô Hồng Châu ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Qua mạng xã hội, chị Châu kết bạn với một người nước ngoài xưng tên Brian Ronald (quốc tịch Anh) và chưa đầy 1 tháng thì "yêu nhau". Brian Ronald hứa sẽ gửi quà về tặng cho chị tài sản và 100.000 USD. 

Ngày 4-2, chị Châu nhận được điện thoại của một phụ nữ giới thiệu là Huỳnh Kim Thoại, nhân viên của công ty chuyển phát yêu cầu chị nộp 1.200 USD vào tài khoản để đóng phí vận chuyển nhận số hàng trên. Không chút nghi ngờ, chị Châu đã đến ngân hàng nộp tiền vào tài khoản theo chỉ định. 

Sau đó, Thoại tiếp tục gọi điện yêu cầu chị Châu nộp thêm 80 triệu đồng vào tài khoản trên để đóng tiếp phí hải quan với lý do trong thùng hàng có số tiền lớn nên bị Hải quan tạm giữ. Sau khi chuyển tiền theo yêu cầu của Thoại, chị Châu tưởng đã thực hiện xong các thủ tục và chờ quà của "người yêu" chuyển về. 

Thế nhưng, đến ngày 19-2, lại một phụ nữ khác xưng là nhân viên công ty chuyển phát nhanh yêu cầu đóng thêm 111,6 triệu đồng để hoàn tất thủ tục nhận quà, chị Châu lại bấm bụng chuyển tiền để nhận món quà từ nước ngoài gửi về. 

Chờ mãi không thấy quà đâu, chị Châu lại tiếp tục nhận được điện thoại của một người đàn ông xưng tên Trần Tấn Phát - Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội báo gói hàng của chị hiện đang ở sân bay Nội Bài - Hà Nội, do bên trong có rất nhiều tiền nên phải đóng tiền phạt 200 triệu đồng. Đến lúc này, chị Châu mới tìm hiểu và phát hiện mình bị lừa.

Còn anh Hoàng Mạnh Hà, 44 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội bị lừa 3,5 tỷ đồng với chiêu cao tay hơn. Cuối tháng 6-2017, anh nhận được thông báo đã trúng thưởng đặc biệt 1 triệu USD từ Công ty Verizone USA. Sau đó, đối tượng này tiếp tục gửi email và gọi điện cho anh yêu cầu nộp tiền phí dịch vụ để được nhận giải. 

Vốn cẩn thận, anh Hà lên mạng Internet để tra cứu các thông tin liên quan đến giải thưởng và thông tin mà anh nhận được từ người của "ban tổ chức". Thấy giải thưởng là có thật, tin rằng mình đã trúng thưởng lớn, anh liền thực hiện theo yêu cầu của đối tượng, nộp nhiều lần tổng cộng gần 3,5 tỷ đồng vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng này cung cấp…

Bên cạnh đó, hàng loạt hình thức lừa đảo khác được đối tượng sử dụng để nhắm vào các bị hại là những người nhẹ dạ, cả tin. 

Thậm chí tại một số địa phương đã hình thành các tụ điểm tội phạm sử dụng công nghệ cao chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức nhắn tin thông báo trúng thưởng qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber...) như: thị trấn Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị; TP Quảng Trị; huyện Duy Xuyên, Quảng Nam... thủ đoạn các của tội phạm công nghệ cao là sử dụng dịch vụ OTT như  Facebook, Zalo, Viber nhắn tin thông báo tới các nạn nhân với nội dung đã may mắn trúng thưởng giải nhất trị giá 01 xe SH (hoặc Liberty) và 100 triệu đồng tiền mặt. 

Yêu cầu người trúng thưởng truy cập vào địa chỉ webstie chỉ định do chúng tạo lập để được khai báo các thông tin và phải gửi trước một khoản tiền vào tài khoản chỉ định để hoàn thiện hồ sơ nhận thưởng. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng ngay lập tức rút tiền để chiếm đoạt.

Thủ đoạn khá phổ biến nữa, đó là các đối tượng lập các website, tài khoản facebook rao bán các mặt hàng chính hãng đang được giảm giá từ 40 - 60% hoặc để rao bán tiền giả. Tuy nhiên, sau khi đã nhận được tiền của khách hàng, chúng gửi hàng kém chất lượng, đa số là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đúng như thỏa thuận nhằm chiếm đoạt tiền của các khách hàng.

Đặc biệt, một thủ đoạn cực kỳ tinh vi nhắm vào các doanh nghiệp lớn với hình thức lừa đảo qua tài khoản email, các đối tượng xâm nhập, chiếm đoạt tài khoản email của doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, sau đó theo dõi các hợp đồng ký kết rồi chọn thời điểm thay đổi thông tin người nhận tiền để chiếm đoạt số tiền do đối tác của doanh nghiệp gửi thực hiện hợp đồng, gây thiệt hại hàng tỷ đồng...

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hoá, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đề nghị, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên đọc báo, nghe đài để nắm bắt, phòng ngừa các thủ đoạn của tội phạm, nếu có nghi ngờ, cần báo ngay cho cơ quan Công an. C50 tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh với các loại tội phạm này đồng thời thường xuyên thông báo những lỗ hổng, sơ hở, thiếu sót của các doanh nghiệp, tổ chức bị tội phạm lợi dụng để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Vờ sẽ kết hôn, Hải 'bác sĩ' lừa nữ Việt kiều gần 3 tỉ

Bị cáo còn lợi dụng sự nhẹ dạ của chị L. là bị cáo sẽ xây dựng hôn nhân với chị nên chị tin tưởng chuyển tiền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Thủy (Công an nhân dân)
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN