Người thầy của những phạm nhân trốn trại

Mỗi lần thấy có người hớt hải chạy trong rừng, dáng vẻ lo sợ, ông đoán chắc ngay là phạm nhân trốn trại. Ông đưa về nhà lấy nước cho uống, lấy cơm cho ăn rồi hỏi chuyện, thuyết phục… Nhiều người đã theo chân ông tình nguyện về lại trại giam.

Ông là Nguyễn Văn Trưởng (59 tuổi, ở Cam Lộ, Quảng Trị). Chiều 30 tết, có người gọi điện thoại báo cho tôi: “Có một đứa phạm nhân vừa trốn trại, ông Trưởng bắt được và giao cho cán bộ quản giáo rồi…”.

Tôi tìm về nhà ông Trưởng. Đến nay, ông đã có hơn 20 năm sống trong rừng. 40 năm trước, vì gây ra cái chết cho hai người và làm một người bị thương tật nên ông phải đi tù về tội giết người. Đáng lẽ hành vi của ông phải nhận mức án tử hình nhưng do có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên được nhận mức án 20 năm tù. Năm 1992, được ra tù nhưng ông thấy chán đời. Sợ ông tiếp tục làm những chuyện tội lỗi, các cán bộ trại giam Hoàn Cát đến nhà động viên rồi giao cho ông một mảnh đất trong trại giam để trồng cây cà phê, chăn nuôi bò…. Hơn 20 năm gắn bó với núi rừng nên ngõ ngách nào ở đây ông cũng biết. Và cũng vì quen địa hình nơi đây, ông đã nhiều lần giúp các cán bộ quản giáo thuyết phục những phạm nhân trốn trại quay trở lại trại giam.

Dùng đòn tâm lý với phạm nhân

Ông kể, chiều 30 tết vừa rồi, đang từ rẫy về nhà thì gặp một thanh niên chừng 20 tuổi chạy hớt hải trong rừng, hỏi ông rằng đi đường nào nhanh nhất để ra đường mòn bắt xe về Nghệ An. Đoán chắc là phạm nhân trốn trại, ông đưa về nhà lấy nước cho uống, nấu cơm cho ăn rồi mới hỏi đầu đuôi câu chuyện. Cậu thanh niên cho biết mình phạm tội cướp giật tài sản nên phải đi tù, không chịu được cuộc sống trong tù, mấy ngày tết nhớ nhà nên tìm cách trốn trại. “Chú thương cháu thì cho cháu con đường sống. Trốn được rồi, cháu hứa sẽ sống tốt hơn và sẽ không quên ơn chú. Mong chú làm ơn, làm phước” - cậu thanh niên năn nỉ.

“Không được. Mình có tội thì phải nhận tội. Không thể trốn được cả đời đâu!” - ông Trưởng nói. Nam thanh niên vừa nói vừa khóc: “Không đâu chú ơi! Cháu không quay lại. Người ta không tha cho cháu đâu. Chú không giúp, cháu sẽ tự tử”. Giọng ông đanh thép: “Ừ. Cứ đi tự tử đi!”. Rồi ông dịu giọng phân tích: “Cha mẹ cháu có đứa con đi tù họ đã buồn rồi, giờ mà biết cháu trốn trại thì họ sẽ ra sao. Chú hứa, nếu cháu theo chú về trại thì sẽ không có ai đánh cháu hết”. Phân vân một hồi, người thanh niên theo ông về trại.

Người thầy của những phạm nhân trốn trại - 1

Hơn 20 năm kinh nghiệm ở rừng, ông đã biết hết mọi lối đi trong rừng. Ảnh: NGỌC THÂN

Làm sao để biết được một phạm nhân trốn trại, sức ông yếu, lỡ không may bị đánh thì sao? Ông cười: “Mình phải đánh vào tâm lý của họ chứ mang sức mình ra mà đánh, làm sao lại”. Để trốn trại, phạm nhân chuẩn bị rất kỹ, từ việc nắm bắt địa hình đến quần áo. Một lần có một phạm nhân đang thụ lý án buôn ma túy trốn trại có mang súng theo sự sắp xếp của đàn em bên ngoài, khi thấy ông thì giơ súng lên yêu cầu phải chỉ đường, nếu không sẽ bắn. Ông nói: “Từ đây ra đường mòn xa lắm, phải đi qua bốn ngọn núi với địa hình rừng hiểm trở. Phía sau cậu đang có quản giáo, công an đuổi theo. Một mình cậu có chống lại được họ không khi sức đã kiệt. Bây giờ, cậu vào chỗ tôi ở nghỉ ngơi uống nước, ăn cơm đã rồi bỏ trốn cũng không muộn”. Đưa  phạm nhân về đến chỗ ở, nấu cơm cho ăn rồi ông thuyết phục để đưa về lại trại giam.

Vào trại giam làm thầy

Suốt hơn 20 năm ở rừng, ông đã nhiều lần bắt phạm trốn trại thành công, nhận được nhiều bằng khen của cơ sở giáo dục Hoàn Cát trao tặng. Mỗi khi có dịp gặp các phạm nhân, ông hay đến trò chuyện, động viên họ phải cải tạo tốt. Có phạm nhân đã cảm ơn ông vì qua lần bị ông bắt về họ biết cải tạo tốt để sớm về nhà. Có người vì nghe lời ông mà được giảm án trước thời hạn.

Cũng vì ông hay dùng đòn tâm lý bắt phạm nhân thành công nên được phía trại giam mời đi tâm sự, nói chuyện với những phạm không chịu cải tạo, quậy phá, tìm cách bỏ trốn. Năm 2010, ông được mời đến trại giam ở Nghệ An để giao lưu với các phạm nhân ở đây. Lần đó, ông giống như là một người thầy đứng lớp giảng bài cho học trò vậy. Ông ngồi ở giữa, các phạm nhân ngồi xung quanh, họ đặt câu hỏi và ông trả lời.

Đa số các phạm tâm sự rằng họ chán cuộc đời, ghét cuộc sống trong tù và sau khi mãn hạn tù thường rơi vào bế tắc. Có phạm lại nói ra tù sẽ chẳng biết làm gì nên tiếp tục phạm tội. Sau khi nghe hết những lời tâm sự, ông lấy luật nhân quả ra để giảng giải, ông phân tích hãy biết nghĩ đến cha mẹ. Cha mẹ thì ngày càng già còn mình thì càng ngày càng lớn. Sinh đứa con ra, nó phải tù, phải tội là cha mẹ ai cũng buồn nhưng họ biết vượt qua tất cả để mà sống, chờ con mình trở về. Vì thế, là con thì đừng phụ lòng cha mẹ. Nghe xong, có những phạm còn hỏi địa chỉ nơi ông ở để khi ra tù sẽ ghé vào thăm.

Nguyên Đại tá Nguyễn Minh Nhơn, nguyên Giám đốc cơ sở giáo dục Hoàn Cát, cho biết ông Trưởng là một người hoàn lương toàn diện trong hơn 20 năm qua. Khi mới ra tù, ông Trưởng tỏ vẻ là một tay đại ca, không chịu lao động. Lúc đó, trại giam đang có chương trình trồng cây cà phê, ông Nhơn tìm đến nhà động viên rồi giao cho ông một mảnh đất, yêu cầu mỗi năm phải hoàn thành đúng nhiệm vụ là chăm sóc tốt cây cà phê, chăn nuôi bò, nuôi cá có năng suất. “Ông Trưởng hoàn thành nhiệm vụ rất tốt. Không những thế, ông ấy còn có nghệ thuật bắt phạm, khuyên các phạm cải tạo tốt nữa. Mỗi khi có phạm bỏ trốn, trại giam phải liên hệ công an, đưa các quản giáo đi bắt có khi không được. Nhưng với ông Trưởng, một mình, không vũ khí, không võ, sức khỏe ốm yếu mà đưa được phạm tự nguyện trở về. Chúng tôi cứ hay gọi ông ấy là “người thầy của phạm nhân” và trao tặng bằng khen anh hùng bắt cướp cho ông Trưởng”. Bây giờ, chiến dịch trồng cây cà phê không còn nữa, ông Trưởng đã ra mở đất, phát rẫy trồng cây làm kinh tế riêng nhưng mỗi khi trại giam cần thì ông luôn giúp đỡ.

________________________________

40 năm trước, khi 19 tuổi, ông Trưởng làm công nhân tại công trường đại thủy nông Nam Thạch Hãn. Một người bạn của ông bị người khác lấy mũ cối bán mất và kiếm chuyện gây sự. Trong lúc hai bên ẩu đả, ông Trưởng rút súng trong tay bảo vệ công trường bắn ba phát liền khiến hai người chết, một người bị thương tật 11%. Gây án xong, ông Trưởng vội vã chạy về nhà định thu dọn hành lý bỏ trốn. Nhưng đúng lúc ấy mẹ ông Trưởng ngồi thất thần bên mâm cơm, giục con ngồi xuống ăn rồi khóc. “Mẹ tôi nói có lẽ đây là bữa cơm cuối cùng mẹ nấu cho con ăn. Tội của con nặng lắm, mẹ nghe người ta bảo con sẽ bị tử hình. Bữa cơm hôm nay có cả những giọt nước mắt của mẹ lẫn vào nữa, con hãy ăn thật no rồi làm những việc mình thấy thoải mái nhất”. Ông Trưởng chỉ biết ôm mẹ khóc rưng rức rồi đi đầu thú.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Thân (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN