“Người rừng” 14 năm chạy trốn: Độn thổ khỏi trại giam

14 năm sống trong rừng với tội danh truy nã, người ta chỉ thấy thi thoảng Phủ ẩn hiện trên ngọn núi ở thượng nguồn suối Thầu chứ chưa ai  biết hắn sống cố định ở nơi nào.

Thời gian làm cán bộ cốt cán ở UBND xã Nậm Chạc, Phủ từng để lại trong lòng nhiều đồng nghiệp của mình sự kính mến. Thế nhưng, cuộc sống của Phủ gần như sang trang khác vì bị “nàng tiên nâu” hút hồn. Khi bị công an bắt vì tội tàng trữ ma túy, hắn đã độn thổ và chính thức sống kiếp “người rừng” trong 14 năm.

“Người rừng” 14 năm chạy trốn: Độn thổ khỏi trại giam - 1

Hà Văn Phủ tại cơ quan công an (Ảnh do công an tỉnh Lào cai cung cấp)

Sự tha hóa của một cán bộ xã

Gần hai thập niên về trước, người dân ở vùng biên giới xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát (tình Lào Cai) từng chứng kiến một người đàn ông người Giáy kéo cả vợ và các con trở về đây khai hoang lập nghiệp. Người đàn ông với vẻ ngoài chất phác bấy giờ không ai khác chính là Hà Văn Phủ (SN 1964, Bát Xát, Lào Cai), người về sau đã trở thành nỗi kinh hoàng của những người đi rừng.

“Người rừng” 14 năm chạy trốn: Độn thổ khỏi trại giam - 2

Một góc làng quê Nậm Chạc, Bát Xát, Lao Cai bình yên.

Những già làng ở vùng biên giới Bát Xát cho biết, hồi đó Phủ là người hiền lành, tận tụy, luôn chăm lo cho những người xung quanh nên ai cũng quý mến. Có lẽ, chính bởi vậy mà hắn được người dân nơi này tin tưởng và tín nhiệm Phủ  giữ chức vụ ủy viên UBND xã Nậm Chạc, kiêm cán bộ văn phòng lúc bấy giờ.

Ông Sùng A Phừ (hiện là bí thư Đảng ủy xã Nậm Chạc), ngày đó làm công tác văn phòng xã cùng Phủ cho biết: “Lúc đó Phủ là một cán bộ có tương lai, đối với mọi người rất hòa đồng và cũng giỏi công tác xã hội nên được anh em quý mến lắm. Đến khi nghe tin anh ấy bị bắt vì tội tàng trữ ma túy, ban đầu tôi cũng chẳng thể tin nổi”.    

“Người rừng” 14 năm chạy trốn: Độn thổ khỏi trại giam - 3

Ông Chảo Duần Hin, Trưởng Công an xã Nậm Chạc, Bát Xát, Lào Cai.

Theo ông Phừ, Phủ được bổ nhiệm giữ chức vụ trên vào khóa 1999 – 2004. Trước đó, anh ta cũng công tác ở xã nhưng với những cương vị khác. Thời điểm đó, Phủ bắt đầu có dấu hiệu hay bỏ việc, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Thời điểm những năm 2000 - 2001, một phần cũng bởi chưa ai từng chứng kiến hắn dùng ma túy nên không ai hay biết và nghi ngờ.

Trong những năm 2000, Công an tỉnh Lào Cai bắt đầu truy quét tội phạm trong đó vùng  biên giới Bát Xát. Nơi đây vốn được cho là điểm nóng về ma túy trong đó Nậm Chạc xuất hiện nhiều con nghiện.

Tuy nhiên, chưa ai từng biết Phủ bị “nàng tiên nâu” quyến rũ. Những năm đầu, kể cả gia đình hắn chũng không hề hay biết mà chỉ thấy hắn có biểu hiện khác thường.

“Độn thổ” thành...“người rừng”

Theo hồ sơ từ Công an tỉnh Lào Cai, năm 2001, trong lần truy quét các đối tượng khả nghi có sử dụng ma túy và tàng trữ ma túy ở Nậm Chạc., công an đã bắt được Phủ cùng 2 người khác vì sử dụng ma túy và tàng trữ chất gây nghiện. Sau đó, Phủ được đưa về trại giam ở huyện Bát Xát. Chỉ sau gần một năm ngồi tù, hắn đã “bốc hơi” khỏi trại giam một cách đầy bí ẩn.

Bà Hoàng Thị Dùn (SN 1964, vợ Phủ) kể: “Thời đó, tôi không nghĩ là chồng tôi lại nghiện nặng như thế. Ban đầu anh ấy đi giao du với những người có tiếng nghiện ở trong làng, rồi đi uống rượu cùng họ có đêm chẳng chịu về. Bấy giờ, tôi cũng có khuyên ngăn, nhưng anh ấy không chịu nghe. Bản tính anh ấy lại khá nóng nảy. Về sau mới có tin báo về là anh ấy bị công an bắt trong lúc dùng ma túy".

“Người rừng” 14 năm chạy trốn: Độn thổ khỏi trại giam - 4
Bà Hoàng Thị Dùn (vợ Hà Văn Phủ).

Cũng theo lời bà Dùn, sau khi trốn khỏi trại giam Phủ đã trở về nhà, gia đình có khuyên Phủ đi đầu thú nhưng hắn không nghe và xách súng săn cùng đồ đạc, quần áo đi vào rừng sâu ở thượng nguồn suối Thầu. Kể từ đó, Phủ sống một mình trong rừng già.

Trong suốt 14 năm lẩn trốn, thỉnh thoảng người dân quanh khu rừng già suối Thầu thuộc thôn Ngắm Xá, xã Nậm Chạc vẫn nhìn thấy Phủ thoắt ẩn thoắt hiện nhưng không ai có thể đến gần hắn. Ngay cả các cơ quan chức năng đã có rất nhiều lần vây bắt nhưng hắn đều thoát được.

Người dân ở vùng này ai cũng nhớ hồi đó ở rừng già có những tiếng súng rền vang. Nhiều gia đình mất trâu bò, hoa màu. Ai cũng biết là Phủ làm nhưng không dám hé răng vì sợ bị trả thù. Từ đó, ở Nậm Chạc không còn ai dám đi rừng, người ta dần từ bỏ lúa nương, đồi ngô vì sự ám ảnh của “người rừng” ở miền biên giới.

Độc giả muốn biết "người rừng" Hà Văn Phủ (SN 1964, Bát Xát, Lào Cai) 14 năm lẩn trốn như thế nào, mời đón đọc kỳ 2: "“Người rừng” 14 năm chạy trốn: Sa lưới pháp luật" vào 10h00 ngày 3/5/2015.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Biên Giới - Họ Phan ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN