Gửi hàng tỷ đồng cho người lạ chỉ sau một cú điện thoại

Sau khi nhận điện thoại của người lạ, nạn nhân tưởng đó là cơ quan điều tra đường dây tội phạm và vội vàng ra chuyển cho chúng hàng tỷ đồng.

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước, đặc biệt là Hà Nội liên tục xảy ra các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền với thủ đoạn gọi điện thoại qua Internet.

Gửi hàng tỷ đồng cho người lạ chỉ sau một cú điện thoại - 1

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo bị bắt giữ (Ảnh: Tiền Phong)

Chuyển hàng tỷ đồng vào tài khoản “công an ảo”

Các đối tượng gọi điện đến số điện thoại cố định của bị hại, xưng là nhân viên của tổng đài VNPT. Chúng thông báo rằng "số điện thoại đứng tên của quý khách đang nợ cước với số tiền X triệu đồng".

Chúng còn chuyển máy cho bị hại nói chuyện với một người xưng là cán bộ Công an. Cán bộ này lại thông báo "anh/chị liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền rất lớn".

Các đối tượng yêu cầu bị hại cho biết mình đã mở những tài khoản nào ở ngân hàng nào. Sau đó, chúng và yêu cầu bị hại rút toàn bộ tiền, gửi vào tài khoản mà đối tượng cung cấp để phong tỏa phục vụ cho việc điều tra của cơ quan công an để điều tra. Chuyển tiền xong, bị hại mới biết bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Một trong những bị hại là bà L.T.P (ở Tây Hồ, Hà Nội). Ngày 1/11, bà P trình báo mình bị lừa đảo mất hơn 2,3 tỷ đồng. Đối tượng gọi điện nói rằng, thông tin cá nhân của bà P có liên quan một vụ tiêu cực lừa đảo khoảng 16 tỷ đồng. Sau đó, bà P đồng ý gửi tài khoản phong tỏa vào ngân hàng Techcombank.

Qua điều tra, Phòng PC50 (Công an TP. Hà Nội) đã làm rõ 6 đối tượng, trong đó bắt nguồn từ Vũ Văn Đại (23 tuôi, quê Lục Ngạn, Bắc Giang).

Mở tài khoản được rất nhiều tiền

Bước đầu làm rõ, tháng 4/2014, thông qua mạng Facebook, nhóm “Việc làm Tiếng Trung” (phiên dịch cho 2 người Đài Loan tại Hà Nội) thuê Đại dùng CMND giả mở tài khoản Ngân hàng Visa, Mastercard với giá 3,4 triệu đồng/1 tài khoản theo hướng dẫn.

Đại rủ thêm các đối tượng Độ, Đức, Bình, Hương, Hà chụp ảnh, giao ảnh cho Đức, để Đức dán vào 80 CMND do Đức mua của đối tượng Phương với giá 1.000.000 đồng/30 cái. Chúng mua hàng loạt sim điện thoại trả trước nhưng không đăng ký thông tin cá nhân của mạng Mobiphone và đến 3 Ngân hàng Techcombank, BIDV, Maritime bank mở tài khoản, làm thẻ Visa, Mastercard.

Đại sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để chuyển các thẻ và sim điện thoại cho các đối tượng người Đài Loan. Tổng cộng Đại và đồng bọn đã làm được 146 tài khoản thẻ và thu lợi bất chính khoảng 500 triệu đồng.

Đầu tháng 10/2014, Chúng bị phong tỏa một số tài khoản ngân hàng và nghe trên phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua Internet. Đại nghi ngờ việc làm của mình có liên quan đến vụ việc lừa đảo này, nên đã thông báo cho nhóm Đức dừng việc mở tài khoản và tẩu tán các tài liệu.

Ngày 8/11/2014, Phòng PC50 phối hợp với Phòng PC45 khám xét khẩn đối với Nguyễn Trọng Đức và Vũ Văn Đại thu giữ chứng cứ, tài liệu.

Quá trình đấu tranh khai thác mở rộng vụ án xác định các đối tượng còn gây ra 9 vụ án khác với tổng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng.

Theo cơ quan công an, hành vi của các đối tượng đã có dấu hiệu của tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” và tội “sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng số tiền kiếm lợi bất chính là khoảng 6,6 tỷ đồng.

Phòng PC50 khuyến cáo: Người dân cần cảnh giác khi có người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng. Khi có người xưng là công an thì phải đề nghị cho biết tên, nơi làm việc, giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó. Hiện nay, nhiều người thường chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng internet, mạng xã hội là điều cực kỳ nguy hiểm. Học sinh, sinh viên không tùy tiện chuyển giao quyền sử dụng thẻ cho người khác, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN