Gần 50% số vụ án giám định chậm

Sự kiện: Tin pháp luật

Trong 17 vụ án tham nhũng, kinh tế mà Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng đang thụ lý, có đến 10 vụ vướng mắc về giám định tư pháp

Ngày 30-10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp về công tác giám định tư pháp phục vụ điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, kinh tế.

Ngại va chạm, né tránh

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương, báo cáo của Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Bộ Công an cho thấy trong 17 vụ án tham nhũng, kinh tế đang thụ lý điều tra, truy tố thì 10 vụ vướng mắc về giám định tư pháp. Có vụ do nội dung trưng cầu giám định khó nên phải tạm đình chỉ điều tra vụ án hoặc kéo dài việc xử lý. Điển hình như vụ giám định thiệt hại nổ mìn, phá đá dưới đường dây 500 KV xảy ra tại Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, việc định giá đất và tài sản tại Công ty In Agribank...

Đặc biệt, có vụ hội đồng định giá tài sản hoặc cơ quan trưng cầu giám định ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy nên dẫn đến chậm tiến độ xử lý. Đơn cử như việc định giá trị cổ phần hóa, cổ phiếu, bất động sản trong vụ Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Á Châu. Có vụ do kinh phí giám định lớn dẫn đến kết luận giám định chậm như việc định giá đất, ô tô, giám định vàng, đá quý trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Chi nhánh Ngân hàng VietinBank TP HCM; việc giám định sai phạm, trách nhiệm trong đầu tư dự án, nguyên nhân vỡ, chất lượng và độ bền ống nước dự án nước sông Đà trong vụ Hoàng Thế Trung và đồng phạm xảy ra tại Tổng Công ty Vinaconex.

Nguyên nhân của việc giám định chậm, theo ông Tuấn, là do quy định pháp luật chưa đầy đủ; một số hoạt động giám định thiếu hướng dẫn cụ thể; chưa quy định rõ “chế tài” xử lý đối với trường hợp từ chối, né tránh giám định không có lý do chính đáng, cố tình kéo dài thời gian giám định, đưa ra kết luận giám định không đúng hoặc kết luận giám định không rõ ràng, chung chung… Chủ trương xã hội hóa giám định tư pháp gặp nhiều khó khăn, đến nay mới có một văn phòng giám định tư pháp ngoài công lập tại TP HCM.

Ông Tuấn cảnh báo nội dung giám định ngày càng phức tạp, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau hoặc liên quan nhiều lĩnh vực chuyên môn sâu như cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán; giám định hợp đồng mua bán có yếu tố nước ngoài như tàu thủy, ụ nổi…

Ông Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, dẫn vụ Ngân hàng TMCP Xây dựng cần giám định đất ở TP Đà Nẵng, định giá khoảng 2.600 tỉ đồng nhưng đưa lên hơn 8.000 tỉ đồng để thế chấp và rút ra số tiền rất lớn.

Gần 50% số vụ án giám định chậm - 1

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trong phiên xét xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng Á Châu, một vụ án tiêu biểu về chậm trễ giám định Ảnh: NGUYỄN QUYẾT

Nhiều ngành chưa quan tâm

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công tác giám định vẫn còn nhiều hạn chế và Bộ Công an cần làm rõ nguyên nhân do đâu. “Có phải do né tránh hay sợ mất lòng nhau, sợ trả đũa?” - Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng, cho biết việc giám định có sự khác nhau giữa các cơ quan tố tụng nên cần quy định cụ thể hơn. Ví dụ, vụ án đường ống nước sông Đà nhiều lần bị vỡ, sai phạm thì đã rõ nhưng phải có kết luận của Bộ Xây dựng để cơ quan công an dựa vào đó mà kết luận điều tra. “Nhiều bộ, ngành chưa thực sự quan tâm đến công tác này nên Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt để đốc thúc” - ông Hiển kiến nghị.

Bà Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán TAND Tối cao, cho biết nhiều vụ án chậm, tắc do công tác giám định. Nhiều vụ án lớn liên quan đến tham nhũng nếu không có “đầu tàu” chỉ đạo thì rất khó giải quyết. Ban Nội chính trung ương phải là cầu nối để giải tỏa vướng mắc, đốc thúc công tác giám định tốt hơn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh phân trần việc lên danh sách cán bộ giám định tư pháp không dễ, thậm chí có tâm lý e ngại. Cụ thể là vụ sai phạm tại Agribank ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cán bộ giám định ra tòa bị “quay” như nghi can nên họ “khiếp”.

Ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính, thẳng thắn: “Động lực để cán bộ giám định tích cực là khó, nhất là còn bị đe dọa. Nhiều vụ đối tượng từ nhắn tin, gọi điện đe dọa, thậm chí uy hiếp vợ con họ, trong khi việc bảo vệ cán bộ giám định vẫn mờ nhạt. Vì thế, anh em tích cực lâu nay là do trách nhiệm chứ việc này rất nan giải”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá hạn chế trong công tác giám định là do nhận thức của các bộ, ngành, địa phương chưa đầy đủ, thiếu trách nhiệm. Phó Thủ tướng khẳng định không có chuyện thiếu tiền cho công tác giám định. “Các bác sĩ suốt ngày mổ xác chết vất vả, nặng nhọc vô cùng nên cần có chế độ, khen thưởng kịp thời. Tuyệt đối đừng để nợ đọng, chậm bố trí kinh phí, phụ cấp, lương bổng của giám định viên. Việc biểu dương, khen thưởng cần kịp thời, đúng mức” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cần kiểm tra, đôn đốc quyết liệt

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu công khai hóa đầu mối các bộ về giám định và phân cấp rõ. Nơi nào chậm trễ, thiếu tích cực trong công tác giám định thì phải chỉ rõ để điều chỉnh kịp thời. Nếu cần chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Nội chính trung ương thì phải báo cáo sớm; đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đồng ý đề xuất của VKSND Tối cao và TAND Tối cao ra nghị quyết về vấn đề này để nâng cao trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể. Ban Nội chính trung ương là cơ quan thường trực, cần kiểm tra, đôn đốc quyết liệt công tác giám định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thế Dũng (Người lao động)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN