Di nguyện của thanh niên gom ve chai bị côn đồ đánh chết

“Tầm giờ này mọi ngày nó đã về đến nhà, chào ba má anh chị rồi thay bộ quần áo, chuẩn bị vào ăn cơm. Có hôm nó về muộn quá, tôi xót, bảo làm vừa thôi, cố gắng về sớm sớm, nó cười xòa gạt đi. Nó bảo phải kiếm tiền chạy thận cho anh hai, rồi còn cưới vợ, còn đổi điện thoại mới cho má chớ”.

Di nguyện của thanh niên gom ve chai bị côn đồ đánh chết - 1

 Bà Phụng đã không còn nước mắt để khóc. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Lời kể của bà Nguyễn Kim Phụng, mẹ nạn nhân La Đặt An, nam thanh niên bị nhóm người lạ đâm chết vào tối 6-5 khiến chúng tôi không cầm được nước mắt.

Nói chuyện nhưng đôi mắt bà vẫn thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa. Bà vẫn ngồi đó như những ngày đợi thằng An đi gom ve chai về muộn kịp ăn cơm cùng cả nhà. Giờ đây bà đã chẳng còn nước mắt để khóc.

Khổ đến phút cuối đời

Chúng tôi ghé thăm nhà bà khi trời đã tối. Con hẻm nhỏ vào nhà bà Phụng là nơi sinh sống của cả mấy chục hộ dân, ấy vậy mà hỏi đến Lê Đặt An, từ già đến trẻ chẳng mấy người không biết.

“Nó ngoan hiền lắm, lại nhanh mồm nhanh miệng. Hồi xưa, ở đây còn có cái chợ, mẹ nó bán hủ tíu, bún riêu ngay đây. Nó đi học về chưa kịp cất cặp sách là qua phụ luôn. Hôm nào thấy mẹ còn hàng nhiều chưa bán hết, nó rầu lắm, rồi nó đi từng nhà gõ cửa bán hàng. Nhìn nó nhỏ thó, cười hiền queo: “Cô Ba có ăn bánh canh không, con mang qua cho cô tô nhé” thì có no đến mấy cũng muốn mua cho nó. Mỗi lần bốn tô, nó thoăn thoắt mang cho từng người. Vậy mà không ngờ... mấy đứa kia ác thiệt”, nhắc đến An, bà Ba không khỏi ngậm ngùi. 

Bà Ba kể chuyện khi đưa thi thể về, An chỉ được đắp một cái chiếu mỏng, hàng xóm xung quanh đã cùng nhau góp công sức, để lo ma chay.

Căn nhà nhỏ của gia đình bà Phụng văng vẳng tiếng cầu kinh, chẳng ai nói với ai một lời. Ngay cửa ra vào, di ảnh chàng trai trẻ trong áo sơmi trắng khiến những người đến viếng không khỏi xót xa.

Bà Phụng thẫn thờ tựa cửa ôm nồi cơm điện, gạo còn chưa kịp vò. Bà bảo sáng 9-5, bà và gia đình đã đưa anh An đi hỏa táng. “Thằng An đi rồi, sang đó chắc không cực nữa đâu cô nhỉ?” - bà nói với chúng tôi mà như tự nhắc nhở với chính mình rằng đó không phải là một giấc mơ.

“Người ta bảo nó bị đám người đó dùng đá ném vào đầu vào người, nó bỏ chạy mà vẫn bị rượt theo đánh đến chết. Nghĩ còn nước còn tát, người ta đưa nó tới bệnh viện nhưng không thấy ví, giấy tờ đâu. Đến lúc lục túi quần lót mới thấy điện thoại, chắc nó biết nó không qua được nên dấu trong đó để người ta biết gọi về nhà. Nó khổ quá, khổ đến cả lúc chết cô ơi!”. Người đàn bà đã bước qua nửa dốc cuộc đời nức nở.

Bà bảo bắt được nhóm người kia rồi thì sao chứ, ai trả con lại cho bà. Còn nỗi đau nào hơn người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh!

Ngày đưa An đi hỏa thiêu, tài sản theo cùng chàng trai xấu số vẻn vẹn chỉ vài bộ quần áo đã sờn bạc, đôi dép mòn vẹt đế vá chằng chịt. Đã hơn một năm rồi, An chưa mua một bộ quần áo mới. Đôi dép đó cũng là người yêu mua tặng, anh đi gần hai năm nay.

“Hồi tết em dẫn anh đi mua bộ quần áo mới mà anh không chịu. Em bảo vậy thay đôi dép đi nhưng anh gàn, bảo dép còn đi được mua chi cho tốn tiền. Anh bảo tiền còn phải để dành chữa bệnh cho anh cả, em út còn đi học, rồi tháng 7 này hai đứa dự định làm đám cưới. Anh bảo hai đứa đều nghèo nên thôi chỉ làm 5-7 mâm cơm ra mắt gia đình hai bên nội ngoại là được, miễn là sau này hai vợ chồng thương nhau. Anh hiền lắm, mỗi lần giận nhau, em tức lên em cắn vào tay, anh chỉ ngồi im chẳng nói năng gì, cho đến khi em không bực nữa thì...” - kể đến đây chị HG, người yêu An òa khóc. Chuyện mới như ngày hôm qua!

Tâm nguyện dở dang của chàng trai xấu số

An là con trai thứ hai trong gia đình có ba anh chị em. Bố bị tai biến, gãy xương vai không làm được việc nặng, ba anh em lớn lên từ nồi bánh canh, bún riêu cua của mẹ. Hôm nào bán ế, cả nhà ăn bánh thay cơm.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, học hết lớp 6 thì An nghỉ học để phụ bán hàng. Sau một thời gian, anh chuyển nghề đi mua phế liệu, trở thành trụ cột kinh tế của gia đình.

Di nguyện của thanh niên gom ve chai bị côn đồ đánh chết - 2

 Bà Phụng, mẹ anh An không cầm được nước mắt cho biết anh An hiền lành, chăm lo cho gia đình và sắp cưới vợ vào tháng 10 tới. Ảnh: NGUYỄN TÂN.

“Kiếm được bao nhiêu tiền, nó đưa hết cho tôi chỉ để lại tiền vốn hôm sau đi mua hàng. Từ lọ mắm, lọ đường hết đến tiền chợ búa, thuốc thang của bố cũng là tay nó lo. Tiền chạy thận hằng tháng của anh cả, tiền học nghề của em út cũng là một mình nó cáng đáng” - Bà Phụng kể.

Em út của An năm nay 16 tuổi, đang học tại trường nghề. Bé nhiều lần đòi nghỉ học phụ ba má kiếm tiền nhưng An không cho. “Nó bảo, má đừng có lo, có cực mấy con cũng đi làm nuôi út ăn học. Út là con gái, phải có ngành có nghề ổn định, sau này đừng như hai anh” - bà Phụng nức nở.

Tạm biệt gia đình để trở về nhà mà lòng chúng tôi nặng trĩu. Những kẻ giết người sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng. Nhưng “thằng An hiền queo” của cái hẻm nhỏ này thì đã mãi ra đi, chẳng thể trở về.

Trụ cột gia đình đã mất, bố mẹ đã già, em út còn đi học, anh cả lại bệnh tật hành hạ. Tương lai gia đình khốn khổ này rồi sẽ đi về đâu?

Tâm nguyện lớn nhất của An

Tâm nguyện lớn nhất của An là chạy thận nhân tạo cho anh hai, để sau này anh hai không cần hằng tuần phải tới bệnh viện cực như vậy nữa. Vậy mà giờ đây ước mơ mãi mãi chỉ là mơ ước.

Hỏi ra mới biết, anh trai của An mắc bệnh thận đã bảy năm nay. Mỗi tuần, anh phải chạy thận ba lần tại BV Cao Lỗ, dù đã có thẻ bảo hiểm nhưng tháng nào "căn bệnh nhà giàu" này cũng ngốn hết của gia đình anh khoảng 3-4 triệu đồng.

Bà Phụng kể chuyện, hồi đó mới biết bệnh, nhà nghèo quá nên bà phải đi vay nặng lãi: vay 5 triệu trả mà tiền lãi mỗi tháng phải trả đã hết 1,5 triệu đồng. Ngày trả hết tiền lãi bà nhẩm tính lãi còn nhiều hơn tiền gốc đã vay. Có bận nhà hết tiền, bệnh viện không cho nợ, cả người anh phù nề lên, bò lăn ra giữa nhà tưởng chết.

Bị đánh chết chỉ vì va quẹt nhẹ

Tối 6-5, La Đặt An đang điều khiển xe máy trên đường để về nhà sau một ngày mua phế liệu, thì bị một nhóm thanh niên đi xe máy đuổi đánh. An vứt xe chạy bộ thì nhóm này tiếp tục đuổi theo đánh.

Theo người dân, nhóm nói trên khoảng 3-4 người, dùng đá xây dựng bọc trong túi vải đánh tới tấp vào người, đầu An.

Nghe thấy tiếng kêu cứu, nhiều người dân sống cạnh hiện trường chạy tới thì nhóm thanh niên lên xe máy nhanh chóng rời khỏi hiện trường. An được đưa đi cấp cứu nhưng anh đã tử vong.

Sau khi khoanh vùng được nhóm đối tượng, trưa 7-5, các trinh sát ập vào một căn nhà trên đường số 41 (phường 16, quận 8, TP.HCM) bắt giữ nhóm thanh niên nói trên.

Nhóm thanh niên khai nhận sau khi va quẹt nhẹ đã xúm lại dùng đá xanh đánh nhiều lần vào đầu An. 

Công an quận 8 đã tạm giữ hình sự năm người gồm: Đỗ Hùng Tấn (32 tuổi), Lê Hữu Thế Anh (24 tuổi), Lý Nhơn Hậu (18 tuổi), Nguyễn Trương Hoàng Nghĩa (17 tuổi) và Dương Quốc Tấn (16 tuổi, cùng ngụ quận 8, TP.HCM) để điều tra về hành vi giết người. 

Riêng một người liên quan là Nguyễn Trọng Việt (36 tuổi, ngụ quận 8) cũng bị tạm giữ về hành vi không tố giác tội phạm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Trà (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN