Day dứt hậu án oan: Phiêu bạt trong tuổi xế chiều

Sự kiện: Tin pháp luật

Từ dấu vân tay thu được tại hiện trường, ông Trương Bá Nhàn (SN 1962, ngụ Bình Phước) bị cơ quan điều tra bắt giam để rồi bị kết tội “giết người, cướp tài sản” trong khi ông có chứng cứ ngoại phạm. Được trả lại tự do trở về nhà, được minh oan, nhưng ông mất tất cả, từ gia đình, tài sản... để rồi sống cuộc đời phiêu bạt nay đây mai đó.

Day dứt hậu án oan: Phiêu bạt trong tuổi xế chiều - 1

Cứ gần cuối năm, ông Nhàn trở về Quảng Ngãi để kiếm việc làm, qua tết lại lên Bình Phước đi làm rẫy thuê. Ảnh: Việt Văn

Dấu vân tay oan nghiệt

Chuyện xảy ra đã gần 15 năm nhưng ông Nhàn vẫn nhớ như in từng chi tiết. Ông nhớ lại giữa ông và gia đình nạn nhân là bà Hoàng Thị Kim Ái có quan hệ họ hàng thân thiết, trước ngày bà Ái bị giết ông có đến chơi và kê lại cái tủ. “Khi xảy ra chuyện, công an đến khám nghiệm hiện trường thấy có dấu vân tay của tôi nên nghi tôi là thủ phạm. Sau đó, tôi bị công an bắt khi đang ở Bình Phước”, ông Nhàn nói.

Lúc bị bắt, ông Nhàn một mực kêu oan cho rằng mình có chứng cứ ngoại phạm, vì hôm xảy ra án mạng, ông đang đi khám răng. “Hôm đó, tôi đi bỏ mối khẩu trang từ 8h30 đến 10h40. Sau đó tôi đến phòng khám răng ở quận Thủ Đức, TPHCM nhưng do đông người chưa khám được nên về lại nhà vợ lúc 11h40. Đến chiều thì tôi đến khám và về luôn Bình Phước. Vậy mà cơ quan điều tra không làm rõ, bắt giam tôi gần 4 năm để điều tra, tìm chứng cứ kết tội tôi giết người, cướp tài sản”, ông Nhàn oán trách.

“Ngày trở về, vợ con, gia đình nhà vợ không nhìn mặt. Đất cát, ruộng vườn ở nhà bán hết để thăm nuôi tôi suốt những năm bị giam. Trở về với hai bàn tay trắng, không nhà không cửa, không vợ con. Chán đời tôi bắt đầu phiêu bạt nay đây mai đó để kiếm sống trong cảnh cô đơn của tuổi xế chiều”.

Ông Nhàn ngậm ngùi.

Dù đã gần 15 năm, ông vẫn lưu giữ hồ sơ vụ án, cầm nó trên tay ông rành mạch kể lại sự việc khiến ông bị bắt giam oan ức gần 4 năm trời. Ông kể, trưa hôm đó 12/12/2001, đứa con gái bà Ái đi học về nhà phát hiện bà chết tại phòng ngủ nên báo công an. Khám nghiệm hiện trường, công an xác định trong nhà bị lục xáo trộn đồ đạc, cửa phòng ngủ mở toang. Chồng bà Ái trình báo với công an tài sản bị mất khoảng 60 - 80 triệu đồng cùng 4 - 5 lượng vàng SJC. Ngày 3/1/2002, công an bắt giữ ông. Khám xét chỗ ở của ông ở phường 13, quận Bình Thạnh, công an phát hiện 62 triệu đồng và 5 lượng vàng SJC. Đây là số tang vật gần trùng khớp với số tài sản mà chồng bà Ái khai bị mất. “Mặc dù tôi khai rằng số vàng thu giữ ở nhà tôi là do mẹ vợ bán đất và gửi giữ, tôi có kể cho chồng bà Ái nghe trước khi bà bị giết. Mẹ vợ tôi và người bán đất cũng khai như thế”, ông Nhàn cho biết.

Sau đó, hồ sơ vẫn được VKSND TPHCM chuyển sang tòa để xét xử. Tuy nhiên, tòa án đã trả hồ sơ điều tra bổ sung vì có nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Mãi đến ngày 8/6/2006, cơ quan điều tra cho rằng đã hết thời hạn điều tra mà không đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của ông Nhàn nên ra quyết định đình chỉ bị can.

Ông Nhàn nhớ lại: “Ngày nhận quyết định đình chỉ bị can của cơ quan điều tra, cầm tờ giấy quyết định trên tay mà nước mắt rưng rưng, vui mừng vì mình được rời trạm giam đau khổ, nhưng trong lòng ngổn ngang bao nỗi lo phía trước. Cái quyết định này chưa thể trả lại sự trong sạch, chưa trả lại tư cách công dân cho mình, mình vẫn có thể bị bắt lại để phục hồi điều tra bất cứ lúc nào”.

Trở về trắng tay, sống phiêu bạt

Khó khăn lắm mới gặp được ông ở cái nơi heo hút giữa rừng cao su bạc ngàn trên huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Ông bảo ông không muốn gặp bất cứ ai vì cuộc đời ông đã chấm hết. Nay đây mai đó, sống qua ngày, làm thuê làm mướn trong cô độc. Ông cũng từng có cơ ngơi ấm cúng, có vợ con ngoan hiền nhưng cái án oan nghiệt đã cướp mất tất cả. Mỗi khi nghĩ đến nước mắt ông rưng rưng.

“Ngày trở về, vợ con, gia đình nhà vợ không nhìn mặt. Đất cát, ruộng vườn ở nhà bán hết để thăm nuôi tôi suốt những năm bị giam. Trở về với hai bàn tay trắng, không nhà không cửa, không vợ con. Chán đời tôi bắt đầu phiêu bạt nay đây mai đó để kiếm sống trong cảnh cô đơn của tuổi xế chiều”, ông Nhàn ngậm ngùi.

Dù được trả tự do nhưng ông bảo cái bản án cho rằng ông giết người cướp tài sản vẫn chưa làm sáng tỏ. “Dù không tiền không bạc, đau ốm triền miên nhưng tôi vẫn đi kêu oan”, ông Nhàn nói.

Đầu tháng 9/2006, ông nộp đơn đến VKSND TPHCM yêu cầu xin lỗi công khai, bồi thường tổn thất nhưng chưa được giải quyết. Vụ việc kéo dài gần chục năm, ông không nhận được một lời xin lỗi, một mức bồi thường tổn thất nào.

“Tôi vẫn không nản, tiếp tục gửi đơn từ khắp các cơ quan có trách nhiệm nhưng điều rơi vào im lặng, họ chỉ hứa nhưng không giải quyết”, rồi ông Nhàn kể tiếp: “Tiền ăn ở thiếu trước hụt sau nhưng vẫn cố dành dụm lộ phí đi kêu oan. Cứ cách tháng là tôi lại xuống Sài Gòn, mỗi chuyến đi tiết kiệm lắm cũng gần 1 triệu đồng nhưng suốt bao năm tôi không nản chí”.

Trong khoảng thời gian này, năm nào ông cũng xuôi ngược từ Quảng Ngãi vào Bình Phước để làm thuê, làm mướn khi vào mùa rẫy. Bạn bè thương tình cất cho ông cái chòi trên rẫy để ở. Hàng ngày, ông được người ta thuê đi trông rẫy, trồng củ sắn, khoai mì, hái hạt điều để sống qua ngày. Hết mùa vụ, những tháng cuối năm, ông lại trở ra Quảng Ngãi tìm việc làm thuê những ngày tết.

….Mãi đến ngày 11/8/2015, VKSND TPHCM mới tổ chức xin lỗi, bồi thường cho ông tại trụ sở UBND phường 13, quận Bình Thạnh (TPHCM).Trong buổi xin lỗi, ông Nhàn nói cảm thấy không hài lòng khi ông không được nói lời nào trước mọi người và buổi xin lỗi diễn ra quá ngắn, không tới 15 phút. Còn về số tiền bồi thường 296 triệu đồng, ông cho rằng nó quá ít so với những tổn thất mà ông và gia đình hứng chịu trong 14 năm qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đình Đình - Văn Minh (Tiền Phong)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN