Đại án 9.000 tỉ: Yêu cầu đối chất về 300 tỉ không có hồ sơ vay

Sự kiện: Tin pháp luật

Bị cáo Danh cho rằng nhóm bà Bích đã đồng thuận việc vay 300 tỉ, sau đó cho mình vay. Ông Danh còn yêu cầu đối chất trực tiếp với ông Trần Quí Thanh (chủ tịch Tân Hiệp Phát), người được cho là chủ sở hữu thật sự của 6 sổ tiết kiệm dùng để thế chấp vay 300 tỉ đồng.

Đại án 9.000 tỉ: Yêu cầu đối chất về 300 tỉ không có hồ sơ vay - 1

Phạm Công Danh và Mai Hữu Khương khẳng định khoản vay 300 tỉ không có hồ sơ vay đã được sự đồng ý của nhóm bà Bích.

Sáng 30/12, phiên tòa phúc thẩm vụ án 9.000 tỉ đồng tại ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (VNCB) do Phạm Công Danh và đồng phạm gây nên tiếp tục diễn ra.

Tại phiên tòa này HĐXX xét hỏi, làm rõ về khoản tiền 300 tỉ đồng bị rút ra khỏi VNCB với hình thức vay, cầm cố bằng 6 sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích (giám đốc Tân Hiệp Phát).

Đại diện tại tòa cho 3 cá nhân Ngô Bích Thùy Trang, Nguyễn Thị Mỹ Dung và Trần Hoài Phục (nhóm người sở hữu 6 sổ tiết kiệm tại VNCB) đã khẳng định số tiền gửi vào ngân hàng là của cá nhân mỗi người.

Tuy nhiên, trong phần xét hỏi của mình, Phạm Công Danh tái khẳng định tại phiên sơ thẩm cả ba người này đã nói số tiền gửi tại VNCB là của ông Trần Quí Thanh (chủ tịch Tân Hiệp Phát). Luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ cho ông Danh) cũng khẳng định có bằng chứng, lời khai của ba người này cho rằng tiền trong sổ tiết kiệm họ đứng tên là của ông Thanh. Một lần nữa đại diện của ba cá nhân nói trên phủ nhận chủ sở hữu số tiền 300 tỉ của ông Thanh.

Cả ông Danh và luật sư của mình muốn nhấn mạnh, làm rõ chủ sở hữu số tiền 300 tỉ đồng của ông Thanh là có lí do. Trước đó trong phần trả lời xét hỏi của mình, Mai Hữu Khương (giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) cho rằng số tiền 300 tỉ này là ông Thanh, và người này cho bị cáo Danh mượn. Bị cáo Khương còn nói rõ, khi phát hiện thiếu chứng từ đã nhiều lần đốc thúc, đòi phía nhóm bà Bích bổ sung hồ sơ. Thậm chí bị cáo Khương khẳng định đã xuống tận trụ sở Tân Hiệp Phát ở Bình Dương để hỏi chứng từ.

Về phần mình, đại diện nhóm có 6 sổ tiết kiệm tại VNCB khẳng định, chủ số tiền này là chuyện cá nhân, quan trọng của vấn đề là VNCB chuyển tiền dù không có hồ sơ vay. Từ đó giữ 6 sổ tiết kiệm nói trên để đảm bảo khoản vay 300 tỉ.

Trả lời vấn đề này bị cáo Khương khẳng định, tiền lãi thường được thanh toán hàng tháng. Tuy nhiên, khi 6 sổ này được mang tới VNCB để thực hiện việc vay 300 tỉ đồng, nhóm 3 người này đã không tới nhận lãi. Nói đúng hơn, khi các sổ tiết kiệm này dùng để thế chấp cho một khoản vay khác thì sẽ không được nhận lãi suất.

 Từ đó, bị cáo Khương cho rằng dù không có hồ sơ vay nhưng phần này đó các cá nhân này đồng thuận về mặt ý chí khoản vay 300 tỉ.  Bị cáo Khương cho rằng nếu không vay thì phải lấy lại sổ chứ không thể để tại VNCB được.

Bị cáo Khương nói thêm, việc chuyển 300 tỉ đồng dù chưa có hồ sơ vay là làm theo yêu cầu của Vũ Anh Tuấn (nhân viên của Tân Hiệp Phát, người mà Khương cho là thường làm việc với VNCB mỗi khi phát sinh khoản vay với ông Thanh, bà Bích). Nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn khẳng định có nhiều nhân viên ngân hàng tại VNCB có thể làm chứng.

Ông Danh cũng cho rằng, bản thân không trực tiếp chỉ đạo thực hiện về khoản vay 300 tỉ đồng này, nhưng chịu trách nhiệm về những sai xót mà thuộc cấp gây ra.  Nhưng, việc để sổ tại VNCB, không khiếu nại để lấy lại sổ tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng hay tiền lãi hàng tháng.

Phía đại diện nhóm có 6 sổ tiết kiệm khẳng định việc không nhận lãi, hay không vay nhưng vẫn để sổ tiết kiệm ở ngân hàng VNCB không thể hiện việc đồng ý vay. Nhưng nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn sau đó khẳng định không có chứng từ nào thể hiện VNCB giữ dùm. Bản thân VNCB cũng không có nghĩa vụ phải giữ dùm sổ tiết kiệm cho khác hàng, bị cáo Khương khai nhận thêm.

Ông Danh cũng khẳng định khoản tiền này (vay của ông Thanh) đã được trả lãi và cụ thể là cao hơn 150% so với mức lãi suất tại VNCB. Nguyên chủ tịch VNCB nói tại tòa rằng “xin lỗi ông Thanh vì đã nói ra sự thật”, nhưng muốn được đối chất trực tiếp tại tòa để làm rõ bản chất sự việc.

Chiều cùng ngày phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và các đồng phạm gây ra thất thoát 9.000 tỉ đồng tại VNCB sẽ tiếp tục diễn ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo K.Phong ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN