Cướp bánh mì, đồ ăn vì đói: "Truy tố là không sai"

Nếu họ chỉ cướp giật đơn giản là chạy bộ thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm ở khoản 1 điều này, nhưng hành vi cướp giật bằng xe máy là tình tiết phải bị truy cứu ở khoản 2 điều 136 Bộ luật hình sự là không sai.

Cướp bánh mì, đồ ăn vì đói: "Truy tố là không sai" - 1

Hai bị can bị truy tố về tội cướp giật tài sản, trong đó có 1 ổ bánh mì (Ảnh minh họa)

Đó là ý kiến của cựu thẩm phán, luật sư Phạm Công Út (Văn phòng luật Phạm Nghiêm, Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu quan điểm trong vụ truy tố 2 bị can Nguyễn Hoàng T. (15/8/1998) và Ôn Thành T. (10/9/1998, cả 2 cùng tại TP.HCM) về tội “cướp giật tài sản” (ổ bánh mì, 2 bịch chuối, 1 bịch đậu phụng, 3 bịch me trộn đường: tổng giá trị 45.000 đồng) theo điểm d khoản 2 điều 136 Bộ luật hình sự.

Theo cáo trạng của Viện KSND Q. Thủ Đức, 2 bị can T. và T. do bị đói nên cướp giật và bị truy tố theo điểm d khoản 2 điều 136 Bộ luật hình sự. Quan điểm của luật sư về việc truy tố 2 bị can trên?

Luật sư Phạm Công Út: Chỉ vì 2 bọc chuối sấy, 1 ổ bánh mì ngọt, 1 bịch đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường, T. và T. là hai trẻ chưa thành niên không chỉ phạm vào tội cướp giật tài sản mà còn rơi vào tình tiết tăng nặng định khung hình phạt, do sử dụng xe máy, là loại phương tiện được Nghị quyết 02/HĐTP/2001 xác định là dùng “thủ đoạn nguy hiểm”, vì thế hai thanh niên trong vụ án cướp giật này phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự ở khoản 2 điều 136 với mức hình phạt từ ba đến mười năm tù là không sai.

Có những vụ cướp, hoặc cướp giật gây “rúng động” xã hội không vì tính tàn bạo của "hung thủ" hoặc hậu quả thiệt hại ghê gớm cho xã hội, mà sự “rúng động” ở đây thuộc hành động và suy nghĩ hết sức đơn giản, xuất phát từ cơn đói, vì miếng ăn mà các “hung thủ” thường phải lãnh nhận những khung hình phạt hoặc mức án tù gây xót xa cho những người biết chuyện.

Cướp bánh mì, đồ ăn vì đói: "Truy tố là không sai" - 2

Luật sư Phạm Công Út

Vừa qua, cũng vì đói và thất nghiệp mà một cựu sinh viên báo chí phải cướp giật tài sản để có miếng ăn. Khi bị bắt, được cho ăn một ổ bánh mì và chai nước suối, anh ta đã trải lòng “Nếu như em không bị “nó” cồn cào suốt từ tối hôm qua, mãi đến 17h chiều hôm ni, thì có lẽ em vẫn là “người lương thiện”.

Một vụ án khác cũng "đắng lòng" không kém, đó là vụ án chỉ vì hai con vịt mà có đến ba nông dân phải lãnh mười ba năm tù về tội cướp tài sản. Chuyện gì đang xảy ra cho xã hội khi những thiệt hại tài sản không đáng kể nhưng luật pháp thì vẫn luôn hững hờ với những số phận, chỉ vì đó là những quy định mang tính "cấu thành hình thức", nghĩa là chỉ có hành vi cướp hoặc cướp giật là đã đủ cấu thành tội chứ không cần đến hậu quả có xảy ra hay không, hậu quả đó có lớn lắm không trong khi người đi cướp, hoặc cướp giật chỉ nhằm để thỏa mãn cơn đói nhất thời của mình. Tội ác luôn phải nhận sự trừng phạt, nhưng xem ra, những hành vi cướp hoặc cướp giật này có đáng để xem là tội ác hay không thì các nhà làm luật cần xem lại, nhưng trước hết, các quan tòa cần đặt lòng trắc ẩn của mình vào số phận nghiệt ngã của các "hung thủ" trước khi ra phán quyết đối với các bị cáo.

Theo luật sư, việc truy tố theo điểm d khoản 2 điều 136 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 3-10 năm tù có quá nặng và cứng nhắc về hành vi cướp tài sản trên?

Luật sư Phạm Công Út: Nếu T. và T. chỉ cướp giật đơn giản là... chạy bộ thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm ở khoản 1 điều này, nhưng hành vi cướp giật bằng xe máy, mô tô là tình tiết phải bị truy cứu ở khoản 2 điều 136 Bộ luật hình sự là không sai.

Vì đạo luật là quan tòa nên hành vi rơi vào điều luật nào thì phải chấp nhận, do bộ luật không phải là một vị quan tòa sống để thông cảm cho số phận bị cáo.

Với hành vi “cướp giật tài sản” của 2 bị can T. và T. vì đói gây tác hại, nguy hiểm đến xã hội thế nào, mức độ ra sao? Cướp vì đói, trường hợp của bị can T. và T. không phải là duy nhất, theo luật sư khung hình phạt nào phù hợp với hành vi trên? 

Luật sư Phạm Công Út: Luật pháp về tội cướp hoặc cướp giật không dành riêng điều quy định cho những mục đích khác nhau mà chỉ quy định chung những hành vi ấy nhằm mục đích vụ lợi mà chiếm đoạt tài sản của người khác thì đã có thể cấu thành tội rồi.

Vấn đề còn lại là trong quá trình xét xử, căn cứ vào diễn biến tại phiên tòa để xem xét các yếu tố khác để xem đủ cơ sở kết tội các bị cáo hay chưa, và với tội trạng ấy thì họ sẽ nhận lãnh mức án bao nhiêu thì vừa đủ làm cho các bị cáo đủ sợ mà không dám tái phạm nữa, và cũng để cảnh báo chung cho xã hội về những hành vi vi phạm pháp luật khi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác phải bị sự trừng phạt của luật pháp.

Cáo trạng của VKSND quận Thủ Đức cho thấy vào khoảng 22h ngày 17/10/2015 Nguyễn Hoàng T. (15/8/1998) gặp Ôn Thành T. (10/9/1998, cả 2 cùng tại TP.HCM) ở một tiệm interneT tại phường Tăng Nhơn Phú, quận 9, TP.HCM. Cả hai chơi tại đây cho đến khoảng 10h ngày hôm sau thì rủ nhau đi uống nước mía.

Uống xong T. T. chở H. T. bằng xe máy đến một quán ăn để xin việc làm. Tuy nhiên trên đường đi cả hai đều đói bụng nhưng không có tiền nên T. T. đã bàn với H. T. sẽ giật bánh mì tại một tiệm tạp hóa và bỏ trốn.

Tới 12h cùng gày T. T. chở H. T. đến đường Tô Vĩnh Diện (quận Thủ Đức) thì dừng lại (xe vẫn nổ máy) trước tiệm tạp hóa Gia Huy. Lúc này H. T. ngồi trên xe nói với chủ tiệm bán cho mình 2 bịch chuối sấy, 1 ổ bánh mì ngọt, 1 bịch đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường.

Khi chủ tiệm chuẩn bị xong và mang ra thì H. T. với tay giật lấy túi đồ ăn còn T. T. tăng ga bỏ chạy. Tuy nhiên ngay sau đó H. T. và T. T. bị hai thanh niên đuổi theo và bắt giữ. Kết quả định giá tài sản của Hội động định quá quận Thủ Đức cho thấy tổng cộng số hàng trên có giá 45.000 đồng.

Cáo trạng của VKSND quận Thủ Đức kết luận, hành vi của T. T. và H. T. đã phạm vào tội “Cướp giật tài sản” thuộc trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm đ, Khoản 2, Điều 136 Bộ luật Hình sự. (khung hình phạt cho tội danh này là từ 3 đến 10 năm tù).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Tuấn (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN