Chuyện về người đầu tiên trên thế giới hack được iPhone: Tham vọng “bá chủ”!

Trong thế giới hacker 1 thập kỷ trước, George Hotz là cái tên nổi như cồn nhờ vào chiến tích là người đầu tiên mở khóa thành công chiếc iPhone khi mới chỉ 17 tuổi. Giờ đây, anh vẫn theo đuổi niềm đam mê hack của mình, nhưng theo một cách khác…

Hacker là thuật ngữ để nói về những người vô cùng giỏi trong công nghệ máy tính, đặc biệt là về bảo mật. Tuy nhiên, không ít người trong số họ sử dụng tài năng của mình để làm những điều phi pháp. Lịch sử thế giới đã nhiều lần chứng kiến những thảm họa mà “hacker mũ đen” gây ra, từ những vụ trộm tiền với số lượng khổng lồ tới các thông tin mật bị đánh cắp rồi rao bán… Chân dung của những kẻ mang nỗi ám ảnh kinh hoàng với các chuyên gia bảo mật sẽ được làm rõ trong loạt bài “Những haker nguy hiểm nhất lịch sử” dưới đây.

Chuyện về người đầu tiên trên thế giới hack được iPhone: Tham vọng “bá chủ”! - 1

Hacker nổi danh George Hotz.

Tham vọng

Vài ngày trước Lễ Tạ ơn năm 2015, hacker George Hotz (26 tuổi) mời một người bạn tới nhà anh ta ở San Francisco để thăm dự án mà anh đang tiến hành. Anh chia sẻ rằng nó là một chiếc xe tự lái mà anh đã phát triển trong khoảng một tháng.

Ban đầu, người bạn tỏ ra khá ngờ vực nhưng khi đứng trước chiếc xe 2016 Acura ILX màu trắng với rất nhiều thiết bị công nghệ được trang bị hệ thống radar laser (lidar) trên mui và các camera gắn ở gần kính chiếu hậu, mọi sự nghi ngờ đều tan biến.

Các con số hiện lên màn hình ngay sau khi Hotz mở máy tính của xe lên. Khi anh xoay bánh lái hoặc bật đèn xi-nhan, vài con số trên màn hình thay đổi, điều này chứng tỏ Hotz đã can thiệp rất sâu vào hệ thống kiểm soát nội bộ của chiếc xe.

Hotz không còn là chàng thanh niên mỏng manh như hồi còn nổi tiếng với biệt danh "geohot" năm 17 tuổi, thời điểm là người đầu tiên trên thế giới hack thành công iPhone của hãng Apple.

Những năm qua, với tham vọng làm nên điều khác biệt trong giới công nghệ, Hotz phát triển dự án mà nhiều người cho là điên rồ và cũng là phi vụ hack táo bạo nhất mà anh từng thực hiện - xe tự lái.

Những nghiên cứu phát triển xe tự lái bắt đầu được tiến hành từ khoảng một thập kỷ trước.

Những mẫu xe tự lái đầu tiên được trang bị nhiều công nghệ đắt tiền và phức tạp. Một vài trong số những người tham gia cuộc thi chế tạo xe tự lái đã trang bị những trung tâm dữ liệu nhỏ trong xe của họ. Bên ngoài xe được bao phủ bởi hàng loạt cảm biến thường chỉ thấy trong các phòng nghiên cứu.

Tuy nhiên Hotz còn táo bạo hơn. Anh chỉ cần phần mềm thông minh và camera dạng xoàng để tạo ra một hệ thống tự lái cho bất kỳ chiếc xe nào.

Công nghệ mà Hotz đang xây dựng có thể khiến các công nghệ đắt tiền của các ông lớn như Google, Uber và các hãng ô tô lớn cũng như Apple phải dè chừng.

George Hotz – anh là ai?

Hotz sinh ngày 2/10/1989 tại Glen Rock, New Jersey, cha của anh làm giám sát công nghệ cho một trường trung học Công giáo còn mẹ anh làm bác sĩ chuyên khoa.

14 tuổi, Hotz đã lọt vào chung kết của cuộc thi Intel International Science & Engineering Fair với một con robot có thể quét một căn phòng sau đó tính ra diện tích của phòng. Vài năm sau, anh cho ra đời một con robot khác có tên Neuropilot với khả năng kiểm soát bằng suy nghĩ.

Năm 2007, anh nhận được giải thưởng là một vé đi Stockholm, Thụy Điển, xem lễ trao giải Nobel, sau khi chế tạo thành công một màn hình hiển thị ba chiều.

Anh hack thành công iPhone năm 2007 khi vẫn còn trên ghế nhà trường và trở nên nổi tiếng trên toàn cầu, xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình.

George Hotz đã sử dụng một chiếc tuốc nơ vít cho kính mắt để mở ốc vít trên chiếc iPhone. Sau đó, anh dễ dàng tìm thấy thứ mình muốn thấy: chip baseband, con chip giới hạn khả năng tương thích với nhà mạng của chiếc điện thoại này.

Bằng một số thủ thuật về phần cứng và một phần mềm trên máy tính mà Hotz tự lập trình, chiếc iPhone đời đầu đã nhanh chóng bị chinh phục và có thể hoạt động với bất kì nhà mạng nào.

Ba năm sau, anh tiếp tục hack thành công PlayStation 3 của Sony, cho phép chơi game không có bản quyền, không cần dùng đĩa gốc.

Đến đầu năm 2011, anh này bị hãng điện tử Sony kiện ra tòa. Sau nhiều vụ kiện pháp lý, tòa án ra phán quyết buộc Geohot không được truy cập vào hệ thống bảo mật trên các sản phẩm Sony, nếu không sẽ bị phạt ít nhất là 10.000 USD.

Từ năm 2007 tới nay, Hotz đóng vai một lập trình viên lữ hành. Anh làm việc một thời gian ngắn tại Rochester Institute of Technology, thực tập vài tháng tại Google, làm việc bốn tháng cho SpaceX sau đó làm việc tám tháng tại Facebook. Công việc tại các tập đoàn trên khiến anh chán nản, không hài lòng.

Bên cạnh việc chế tạo xe tự lái, Hotz đã viết một ứng dụng có tên towelroot giúp người dùng Android hoàn toàn kiểm soát smartphone của họ. Ứng dụng này được cung cấp miễn phí và được tải về hơn 50 triệu lượt. Anh giải trí bằng cách tham dự những cuộc thi tìm lỗ hổng bảo mật trong phần mềm và phần cứng.

Nhiều người tin rằng, việc “cải tà quy chính” của hacker này mở ra hy vọng rằng bộ óc thiên tài này sẽ giúp giới công nghệ hưởng lợi, còn các hãng sẽ không còn nơm nớp lo sợ như trước.   

-----------------

Mời độc giả đón đọc loạt bài tiếp theo Những hacker nguy hiểm nhất lịch sử vào 4h ngày 29/9/2017.

                                                          

Thời nổi loạn của “hacker không gia đình” từng làm khổ FBI

Những hành vi nghiêm trọng của hacker Adrian Lamo đã từng khiến FBI phải tập trung mọi lực lượng để ngăn chặn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huyền Anh (Theo Bloomberg, Guardian) ([Tên nguồn])
Những Hacker nguy hiểm nhất lịch sử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN