Chuyện người mẹ trẻ ham "đập đá"

Sự kiện: Ký sự dân chơi

"Đập đá" ảo giác có thể kéo dài tới 3 ngày sau khi dùng. Hưng phấn, sung mãn và tự tin là cảm giác mà N không bao giờ tìm thấy được khi tỉnh táo.

Cưới chưa được bao lâu thì người chồng đoản mệnh bỏ lại mẹ con N. Nuôi mơ ước đeo đuổi nghiệp ca hát, người mẹ trẻ thi đỗ một trường trung cấp nghệ thuật. Nhưng không may, vừa bước chân vào giảng đường mới, N kết giao với đám bạn "lêu lổng" để rồi a dua, trượt dài…

Sớm góa bụa!

Chưa tròn 30 nhưng Nguyễn Hồng N, SN 1983, quê ở Thái Nguyên, nom "nhàu". Những trận "bay" điên cuồng và "đập đá" đã khiến cô "thân tàn ma dại", xuống sắc. N nói, hôm nay trông cô thế này là "khá khẩm" lắm so với ngày đầu vào Trung tâm Giáo dục lao động số II, Hà Nội. Hai tháng không phải là dài nhưng quãng thời gian này đã kéo N trở lại với "mặt đất". Cô đã có những khoảng lặng để nhìn lại chuỗi ngày chìm trong ma túy. Giờ sóng gió đã tạm qua, N dần tìm được chính mình.

Cô kể, đời mình lắm truân chuyên. Mới bước qua tuổi 16, N lỡ dở học hành rồi lấy chồng. Cũng vì cưới "chui" (N chưa đủ tuổi kết hôn) nên hai người không đăng ký tại UBND xã. Người mà N kết mối trăm năm là con trai đồng đội của bố N. Những tưởng tìm được chốn nương tựa vững chãi. Ai dè, cưới chưa đầy năm thì chồng bỏ N ra đi. Ngày hôm ấy, N nhận được cú điện thoại của người lạ báo tin dữ. Trong cơn hoang mang, N nhào ra đường và hy vọng, chắc có sự nhầm lẫn. Nhưng khi nhìn thấy chồng sõng soài trong vũng máu, cô đã ngất xỉu. Khi đó, N mới sinh con, vẫn còn ở cữ.

Chống chếnh và hoảng hốt, ở cái tuổi 17, N không biết xoay sở thế nào với đứa con đỏ hỏn. N bị sốc, cú sốc ấy khiến cô không cất được tiếng nói. Mọi người trong gia đình thấy N bỗng dưng bị câm đã rất lo lắng. Suốt 3 tháng ròng, N thu mình trong căn phòng của hai vợ chồng, ôm di ảnh chồng khóc ròng. Thương con dâu sớm góa bụa, nhà chồng đã chăm nom cô chu đáo và cả thằng cháu nội kém may mắn.

Rồi một hôm, khi N ở nhà cùng đứa cháu chồng. Thằng bé tinh nghịch, chơi dao để rơi vào chân, chảy máu. Nhìn thấy máu, hình ảnh của chồng tái hiện và N hét váng tên chồng. Thằng bé thấy cô gọi chú cũng gọi theo. N ôm chầm lấy cháu và an ủi nó: "Chú chết rồi còn đâu mà gọi". Đó là lần N tìm lại được giọng nói của mình và cô quyết định chôn chặt mối tình với người đã chết. Đời quá bất hạnh, N muốn vượt lên số phận và cô học lại. N nghĩ ông trời không tuyệt mọi con đường của mình khi cô thi đỗ vào một trường trung học nghệ thuật ở Thái Nguyên. Sự cầu tiến và nghị lực của N được hai bên gia đình cổ vũ, động viên. Niềm khích lệ ấy khiến người mẹ trẻ thêm tự tin về sự lựa chọn của mình.

Chuỗi ngày dông bão

N những tưởng sẽ có một tương lai sáng sủa sau khi bước vào cánh cổng trường nghệ thuật. Nhưng một lần nữa, cô không lường được chữ "ngờ". Mẹ chồng N cảm thông mở lời chăm cháu cho con dâu rộng đường học hành. Vì ước mơ của mình và cả tương lai của con, N "dứt áo ra đi". N rời Hà Nội lên Thái Nguyên nhập học. Môi trường mới với những người bạn cởi mở, N thấy nhịp sống của mình thực sự thay đổi. Cô đầu tư hết thời gian và tập trung cho việc học. Trời phú cho một giọng ca vàng, cùng với sự khổ luyện, N "nổi" trong lớp. Cũng từ đó, cô kết giao thêm các mối quan hệ mới. Hai năm học, N tự hài lòng về kết quả học tập của mình và dành ra thời gian thư giãn. Cũng từ những lần đi chơi ấy, N mới thấy hết cuộc sống thật của các bạn. Trên giảng đường, họ ngoan hiền là thế. Nhưng mỗi khi "đêm đến", các nam thanh nữ tú như lột xác. Họ sành điệu và cháy hết mình trên sàn nhảy. Không biết tự bao giờ, N lại thèm thứ nước giải khát ấy. Uống vào, N hừng hực muốn lao vào dòng nhạc, nhảy điên cuồng cho đến khi thân thể rã rời, miệng nhạt thếch. Sau này, cô biết mình thèm "cắn kẹo" (thuốc lắc) thì đã quá muộn. Những chuyến đi thâu đêm suốt sáng khiến việc học của N đứt gánh. Khi bạn đánh tiếng rủ về Hà Nội làm cho một quán cà phê từ A - Z, N chẳng ngần ngại, gật đầu đồng ý.

Như hổ được thả về rừng, N tha hồ "hư hỏng". Trong lần sang quận Long Biên mua thuốc "lắc", N đã bị công an "sờ gáy" và buộc đưa vào Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2, ở huyện Ba Vì, Hà Nội. N chua chát nói, ấy là lần cải tạo thứ nhất và mọi người trong gia đình không ai hay biết. Cả mẹ ruột, cô cũng giấu. N sợ rằng, nếu biết con gái mình ra nông nỗi này, mẹ sẽ không sống nổi. Nhắc tới con trai, N càng đứt ruột hơn. "Em rời trung tâm tháng 10-2008, con trai đã được 7 tuổi. Nó cao và lớn vổng. Nó không theo mẹ vì em bỏ bẵng con" - N khóc.

Sợ thói xấu của mình tiêm nhiễm vào con, N đã mừng thầm khi người bác ruột nhận nuôi thằng bé. Yêu con, cô chấp nhận xa con vì hy vọng, nó sẽ có một cuộc sống lành mạnh ở một bầu trời khác. Nhưng khi trút được gánh nặng con cái thì N lại lún sâu vào sa ngã. Những ngày tháng cải tạo chỉ giúp N giữ mình trong vài tháng. Cô đơn, N ngập ngụa trong những ngày tháng sống bầy đàn và "đập đá". Để có tiền trang trải những cơn đói thuốc, N buôn luôn thứ hàng đó. Mỗi khi sẵn "hàng", N cùng đám bạn ở riết trong phòng "đập đá".

Ảo giác vì "đập đá"

Như lời N, cô biết, ma túy "đá" là loại cực độc; thứ này khiến N tàn tạ vì dùng rồi thì không có cảm giác đói, chỉ khát. Khát nhưng hễ uống nước vào là nôn thốc tháo. Dùng "đá", N thích dùng chung với thuốc lắc để tăng thêm ảo giác, tìm thêm cho chính mình khoái cảm mỗi khi nghe nhạc. "Đập đá" ảo giác có thể kéo dài tới 3 ngày sau khi dùng. Hưng phấn, sung mãn và tự tin là cảm giác mà N không bao giờ tìm thấy được khi tỉnh táo. Chính điều đó khiến con nghiện làm được những việc mà khi tỉnh họ không bao giờ dám làm, như sẵn sàng nhảy từ trên cao xuống đất, quan hệ tình dục tập thể, chạy xe với tốc độ rất cao, hoặc rạch dao vào da thịt của mình. N nói, người nghiện ma túy "đá" rất sợ ánh sáng nên cô thường mang kính đen.

Dùng "đá" một thời gian, N cùng đám bạn rơi vào trạng thái hoang tưởng. "Em bắt đầu có tính đa nghi, nghi ngờ tất cả mọi người. Ngồi cà phê, tán chuyện cùng các bạn, nhìn thấy người lạ nào em cũng nghĩ họ là công an mật. Ngay cả bà chủ quán em cũng nghi bà ta được công an trả tiền để theo dõi tụi em. Các bạn em còn khiếp hơn. Có người cầm dao đuổi chém người thân hoặc người đi đường chỉ vì cho rằng, mình sắp bị tấn công. Một anh bạn em còn bế thốc con rồi ném nó ra đường vì nghĩ, sắp bị con hại chết".

Điểm lại đám bạn "lêu têu" của mình, N cho hay, 5 người trong số họ đã phải vào BV tâm thần Trung ương sau thời gian dài "đập đá". Nghĩ đến kết cục, một là phải chữa bệnh ở BV tâm thần, hai là phải đi tù vì buôn "đá", N thấy mình còn may mắn khi "cải tạo" ở Trung tâm giáo dục lao động số 2. Lần thứ 2, N nhập Trung tâm vì bị CA phường Bạch Đằng truy quét đợt cao điểm tháng 4-2012. Cán bộ trung tâm cho biết, sau 2 tháng cai nghiện, N đã cắt cơn và tỉnh táo.

Sở dĩ N "ra ra vào vào" trung tâm vì bị các bạn lôi kéo. Từng quyết tâm lắm nhưng N đều không thể cưỡng lại những lời mời mọc, thậm chí bắt ép cô "đập đá". Lần này trở về, N đã có tuổi và ít cơ hội làm lại từ đầu nên N rất lo lắng nếu không đoạn tuyệt được với những người bạn xấu. Điều người mẹ này sợ hãi hơn cả là cậu con trai sẽ nhìn mẹ thế nào khi biết được quá khứ đen tối của cô.

"Giờ, chỉ có con trai mới là động lực duy nhất giúp em vượt qua mọi cám dỗ, vượt lên bản thân để có cuộc sống tốt đẹp hơn" - N nói như thể hứa với mình về đích tới của cuộc đời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoa Đỗ ([Tên nguồn])
Ký sự dân chơi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN