Cái giá đắt cho ước mơ làm giàu từ thế giới ảo của “hacker thế kỷ”

Dù không qua bất kỳ một khóa học nào về máy tính nhưng bằng sự sành sỏi và khả năng thiên bẩm của mình, trùm hacker này đã tạo ra một trong những vụ bê bối lừa đảo tín dụng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Hacker là thuật ngữ để nói về những người vô cùng giỏi trong công nghệ máy tính, đặc biệt là về bảo mật. Tuy nhiên, không ít người trong số họ sử dụng tài năng của mình để làm những điều phi pháp. Lịch sử thế giới đã nhiều lần chứng kiến những thảm họa mà “hacker mũ đen” gây ra, từ những vụ trộm tiền với số lượng khổng lồ tới các thông tin mật bị đánh cắp rồi rao bán… Chân dung của những kẻ mang nỗi ám ảnh kinh hoàng với các chuyên gia bảo mật sẽ được làm rõ trong loạt bài “Những haker nguy hiểm nhất lịch sử” dưới đây.

Cái giá đắt cho ước mơ làm giàu từ thế giới ảo của “hacker thế kỷ” - 1

Albert Gonzalez (ảnh nhỏ) là tác giả của những vụ bê bối lừa đảo tín dụng lớn nhất lịch sử nước Mỹ

Giờ đây, ngồi trong 4 bức tường đằng sau song sắt trại giam, Albert Gonzalez mới cảm thấy tiếc nuối cho những ngày tháng sai lầm của mình. Với tài năng sẵn có, lẽ ra cuộc đời gã đã đi theo một hướng khác tốt đẹp hơn…

Hacker thế kỷ

Albert Gonzalez sinh  năm 1981, là con trai của một gia đình người Cu Ba nhập cư vào Miami (Mỹ) trong những năm 1970. Khi mới lên 8 tuổi, cậu được bố mẹ mua cho chiếc máy tính đầu tiên.

Kể từ đó, cậu bé Gonzalez “ăn với máy tính, ngủ với máy tinh” và tỏ ra là người có năng khiếu về lĩnh vực này từ rất sớm. Toàn bộ các hiểu biết và kỹ năng về máy tính đều do cậu tự mày mò mà ra.

Năm 17 tuổi, Gonzalez rơi vào tầm ngắm của FBI sau khi cùng hai người bạn học xâm nhập vào một số máy chủ của Chính phủ Ấn Độ, để lại một số lời nhận xét không hay về nền văn hóa của quốc gia này. Vì chưa gây thiệt hại quá lớn và vẫn còn trong độ tuổi vị thành niên, cậu chỉ bị cảnh cáo và cấm sử dụng máy tính trong nửa năm.

Nhưng rồi cũng từ đây, Gonzalez nhanh chóng nhận ra rằng, với khả năng của mình trong lĩnh vực công nghệ, Gonzalez hoàn toàn có thể kiếm tiền một cách dễ dàng. Đó là năm 1999, Gonzalez đã xác định rõ mình sẽ làm giàu bằng cách nào.

 Sau khi tốt nghiệp phổ thông, hắn rời bỏ Miami để chuyển tới khu vực ngoại ô Newark (bang New Jersey) và biết rằng đã đến lúc bắt đầu “sự nghiệp” của mình.

Bước đầu, Gonzalez cùng với một số bạn bè của mình thành lập cộng đồng trên mạng mang tên Shadowcrew và trở thành một trong những tên đứng đầu. Tại đây, các tin tặc có thể trao đổi với nhau những bí mật thành công, thỏa thuận về việc mua bán một lượng rất lớn dữ liệu đánh cắp về các thẻ tín dụng và chủ nhân của chúng.

Trong số những vụ lừa đảo tín dụng lớn mà Gonzalez là chủ mưu phải kể tới Tập đoàn TJX Companies, chủ sở hữu của một trong những mạng lưới cửa hàng thời trang T.J.Maxx lớn nhất tại Mỹ. Chỉ trong vòng nửa năm xâm nhập được vào mạng của công ty này, nhóm của Gonzalez đã đánh cắp được hơn 40 triệu số thẻ tín dụng và hồ sơ cá nhân của các chủ sở hữu.

Ngoài vụ này, Gonzalez còn dính líu vào nhiều vụ đánh cắp số thẻ tín dụng lớn khác. Điển hình là hành vi xâm nhập và tấn công hệ thống chi trả lớn nhất nước Mỹ Heartland Payment System, hệ thống máy rút tiền tự động của nhà bán lẻ 7-Eleven và mạng lưới thương mại Hannaford Bros vào cuối năm 2007.

Bản án nghiêm khắc

Tính tổng cộng, Gonzalez và đồng bọn đã đánh cắp thông tin của hơn 170 triệu thẻ tín dụng từ năm 2005 đến năm 2007, ước tính làm thiệt hại tới 400 triệu USD.

Kiếm tiền dễ dàng nên Gonzalez sống rất hoang phí. Hắn từng bỏ ra 2,8 triệu USD để mua nhà và xe ở Miami, nhẫn và trang sức đắt tiền tặng bạn gái hay những chiếc đồng hồ cao cấp cho bố và bạn bè và cả một bữa tiệc sinh nhật 75.000 USD…

Hắn có nhiều tiền đến mức phải mua máy đếm tiền và từng phàn nàn khi máy đếm tiền bị hỏng hắn phải đếm mỏi tay 340.000 USD loại tiền 20 USD.

Tại nhà của Gonzalez, các nhà chức trách thu giữ gần 0,5 triệu USD tiền mặt, chưa kể 1 triệu USD được chôn tại sân sau nhà bố mẹ hắn.

Sau một thời gian dài theo dõi, cảnh sát cuối cùng đã có đủ bằng chứng cho tội lỗi của Gonzalez. Bị bắt vào tháng 5/2008, Gonzalez đã phải đối mặt với 19 tội danh như gian lận máy tính, truy cập trái phép, khai thác thông tin bất hợp pháp…

Với những gì đã gây ra, “hacker thế kỷ” này đã phải nhận bản án nghiêm khắc tới 20 năm tù – mức phạt lớn nhất cho dạng tội phạm này tại Mỹ từ trước tới nay đồng thời phải chịu tước bỏ tài sản bao gồm 1 ngôi nhà ở Miami, 1 chiếc BMW 330i đời 2006, 1 nhẫn kim cương hiệu Tiffany, 3 đồng hồ Rolex, và hơn 1,65 triệu USD tiền mặt.

-----------

Mời độc giả đón đọc loạt bài tiếp theo Những hacker nguy hiểm nhất lịch sử vào 4h ngày 16/9/2017.

Chân dung trùm tin tặc 18 tuổi thoát án tù vì quá giỏi

Đối mặt với mức án 10 năm tù nhưng nhờ tài năng của mình, vận mệnh của trùm hacker 18 tuổi đã rẽ sang một hướng khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huyền Anh - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Những Hacker nguy hiểm nhất lịch sử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN