Bảy năm vẫn chưa rõ bị cáo phạm tội gì

Bị cáo bị truy tố tội giết người, TAND tỉnh Bình Phước nhiều lần mở phiên xử nhưng vẫn chưa thể tuyên án dù vụ án kéo dài đã bảy năm.

Mới đây, TAND tỉnh Bình Phước mở lại phiên tòa sơ thẩm xử vụ bị cáo Phạm Duy Lăng bị truy tố tội giết người. Song cũng như những phiên xử trước đó, lần này tòa vẫn chưa thể tuyên án mà tạm hoãn để mời giám định viên nhằm làm rõ các vấn đề liên quan đến cái chết của nạn nhân.

Kiến nghị hủy bản án do mình xử

Theo hồ sơ, tháng 3-2009, khi tham dự đám cưới, nhóm bạn của bị cáo Lăng bị một nhóm khác đánh. Lăng cũng bị một người dùng cục đá đập vào đuôi mắt phải. Lăng chửi tục và vào nhà người dân tìm hung khí.

Nghe tin người nhà bị đánh, Lương Văn Khu chạy ra thấy Thức đang đứng gần đó liền đấm vào vai khiến Thức lảo đảo, Khu đá tiếp vào chân làm Thức ngã xuống đường và tiếp tục đá hai cái vào mông.

Cáo trạng quy kết khi thấy Thức đang chống tay đứng dậy, Lăng cầm chày inox (dài 20 cm, dùng để giã ớt) đánh Thức nhiều cái vào đầu khiến Thức tử vong vài ngày sau đó.

Kết luận giám định nói nạn nhân bị tác động của vật tày phẳng, tác động mạnh vào vùng đầu chấn thương sọ não, xuất huyết nội sọ, dập tổ chức não, hôn mê sâu không phục hồi dẫn đến tử vong.

Xử sơ thẩm lần một, TAND tỉnh Bình Phước nhận định: Mặc dù tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng vẫn chưa làm rõ trong vụ án còn có dấu hiệu bỏ lọt đồng phạm về tội giết người và tội gây rối trật tự công cộng. Tòa tuyên phạt bị cáo Lăng 16 năm tù về tội giết người. Đồng thời tòa kiến nghị tòa trên hủy bản án sơ thẩm của mình để điều tra, xét xử lại. Lăng cũng kháng cáo kêu oan cho rằng mình không phải là người giết Thức.

Bảy năm vẫn chưa rõ bị cáo phạm tội gì - 1

Bị cáo Lăng tại phiên tòa ngày 15-1. Ảnh: NGÂN NGA

Mở phiên xử nhưng không tuyên án được

Tháng 9-2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND cấp cao tại TP.HCM) xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại nhằm làm rõ dấu hiệu tội gây rối trật tự công cộng và đồng phạm về tội giết người.

Theo tòa này, lời khai của bị cáo Lăng tại CQĐT và tại hai phiên tòa có nhiều mâu thuẫn, không thống nhất; lời khai của nhân chứng không xác định được Lăng bị giằng lấy chày trước hay sau khi đánh nạn nhân. Ngoài ra, trong lúc đánh nhau, Khu đá nạn nhân té xuống đường, tiếp đến Lăng cầm chày đánh nạn nhân gây tử vong. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của Khu với cái chết của Thức và lời nói của Lăng “đánh chết mẹ quân Thống Nhất đi” có ảnh hưởng như thế nào đến hành động của Khu.

Sau đó, VKSND tỉnh Bình Phước đã truy tố thêm Lương Văn Khu và hai người nữa về tội gây rối trật tự công cộng.

Ngày 8-8-2014, TAND tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm lần hai và hẹn đến ngày 15-8-2014 sẽ tuyên án. Tuy nhiên, đến ngày này, thay vì tuyên án, tòa lại tuyên bố hoãn xử để mời giám định viên.

Ngày 29-9, tòa tiếp tục phiên xử và quay lại phần xét hỏi. Tại tòa, giám định viên cho rằng chỉ nhận được quyết định trưng cầu giám định, ngoài ra không có tài liệu nào đi kèm nên không xác định được vết thương do vật gì gây ra dẫn đến cái chết của nạn nhân Thức.

Cuối cùng, tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Ngày 24-7-2015, TAND tỉnh Bình Phước tiếp tục mở lại phiên tòa. Nhưng khi kết thúc phần tranh luận, tòa này lại tiếp tục hoãn để tiến hành giám định cơ chế hình thành vết thương và công cụ tạo ra các vết thương ở vùng thái dương trái và vùng đỉnh chẩm lệch phải…

Lại hoãn xử để mời giám định viên

Kết luận giám định mới đây cho thấy tổn thương vùng đầu nạn nhân do vật tày tác động tạo ra. Chày bằng inox màu trắng (mẫu vật gửi giám định) có thể tạo ra được thương tích này.

Ngày 15-1, TAND tỉnh Bình Phước tiếp tục mở phiên tòa. Lăng cho rằng sở dĩ có lúc bị cáo nhận tội là do bị điều tra viên hướng dẫn rằng bị cáo có dùng chày inox đánh vào đầu người đã từng đánh bị cáo chứ không phải đánh Thức…

HĐXX nói: Theo cơ quan chuyên môn giám định, với cái chày như thế có thể gây ra vết thương cho bị hại. Nếu kết luận giám định nói với cái chày này thì không thể gây ra thương tích như cho bị hại thì lại khác.

Lăng đáp: Có thể chứ không phải khẳng định hoàn toàn.

Các nhân chứng có mặt tại phiên tòa khai: Chỉ thấy Khu đánh một người ngã xuống đường và không thấy Lăng đánh Thức.

Bị cáo Khu khai: “Bị cáo chỉ đánh vào vai và chân làm Thức té xuống đường rồi bị cáo quay lại đánh người khác nên không biết còn ai đánh Thức nữa không. Bị cáo đánh như thế không thể dẫn đến bị hại chết được”.

Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng có bốn bản khai mà Lăng nhận tội tại CQĐT phù hợp với lời khai, nhân chứng. Bị cáo Lăng không thành khẩn khai báo mà quanh co chối tội, lúc nhận tội, lúc phản cung. Lời khai của nhân chứng có mặt tại hiện trường thấy Lăng cầm chày đánh Thức. Từ đó, công tố viên đề nghị tòa phạt Lăng 14-15 năm tù về tội giết người; Khu 12-15 tháng tù và hai bị cáo khác 9-15 tháng tù, cùng về tội gây rối trật tự công cộng.

Bào chữa cho bị cáo Lăng, luật sư cho rằng giám định chưa làm rõ Khu đã đạp lên bụng làm cho nước tiểu của bị hại chảy ra ướt quần. VKS buộc tội Lăng chỉ dựa vào bốn lời khai nhận tội tại CQĐT và lời khai của một số nhân chứng chưa thành niên nhưng lại không có người giám hộ khi lấy lời khai. Các lời khai của nhân chứng cho rằng Lăng cầm chày tay phải đứng phía trên đầu đánh từ trên xuống lúc nạn nhân đang ngồi dậy thì phải trúng vào trán hoặc đỉnh đầu chứ làm sao trúng ở thái dương trái và càng không thể trúng ở vùng chẩm phải…

Từ đó, luật sư cho rằng Lăng chỉ phạm tội gây rối trật tự công cộng, yêu cầu trả tự do cho bị cáo ngay tại tòa.

Sau khi nghị án, HĐXX ra thông báo hoãn phiên tòa để mời giám định viên.

Công tố viên bỏ ra ngoài khi tòa đang xử

Trong quá trình xét xử, có tới hai lần kiểm sát viên (KSV) bỏ ra ngoài phòng xử. Do HĐXX đã hỏi xong, chuyển sang phần tranh luận nhưng vẫn chưa thấy KSV nên chủ tọa phải nhắc thư ký tòa mời KSV vào. Tuy nhiên, vừa ngồi xuống ghế, vị này lại chạy ra sau ghế của chủ tọa trao đổi điều gì đó rồi mới quay lại trình bày lời luận tội.

Sau buổi xử, phóng viên hỏi lý do vì sao KSV lại ra ngoài hai lần trong khi phiên tòa đang diễn ra nhưng vị này im lặng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Hân (Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án trật tự xã hội, an ninh và ma túy VKSND tỉnh Bình Phước) cho biết: “Trách nhiệm của KSV lúc này là đang kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố. Nhưng tố tụng cũng không quy định KSV phải ngồi đó liên tục. Không biết KSV trao đổi với chủ tọa nội dung gì nhưng cũng dễ làm người khác phải suy nghĩ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Nga (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN