Án oan, gỡ mãi chưa xong

Từ ngày ông Đinh Quang Điền (TP Buôn Ma Thuột) nhận được quyết định đình chỉ vụ án, trả lại tự do, đến nay đã gần 4 năm. Dù Viện Kiểm sát đã tổ chức xin lỗi công khai về việc phê chuẩn quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Điền, nhưng bồi thường các thiệt hại nghiêm trọng đối với nạn nhân thế nào cho thỏa đáng, là điều vẫn chưa được thực thi!

Án oan, gỡ mãi chưa xong - 1

Ông Điền trở lại xưởng gỗ hoang tàn.

Mới đây, ông Đinh Quang Điền (thường trú tại tổ dân phố 10, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột) gửi đơn đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao xem xét kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk, cho rằng Tòa đã xử ép, tuyên giảm hẳn số tiền bồi thường, khiến ông đã khổ vì bị bắt oan lại thêm thiệt thòi. 

Ông Điền cũng gửi đơn kêu cứu đến nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và báo Tiền Phong, đề nghị các cấp có thẩm quyền phải xử lý nghiêm minh các cán bộ cố ý làm trái, khiến ông từ chỗ là một đảng viên, chủ doanh nghiệp đang làm ăn thuận lợi trở thành tù nhân gánh tội lừa đảo, sự nghiệp tan tành, cha mẹ khổ đau lâm bệnh mà chết, con cái bơ vơ gián đoạn học hành...

Căn cứ hồ sơ, có thể tóm tắt sự việc như sau: Năm 2005, ông Điền thành lập công ty TNHH Quang Điền, mở nhà máy chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Tân An ngoại thành Buôn Ma Thuột, chuyên chế tác hàng gia dụng từ nguồn gỗ nhập khẩu từ Lào. Việc làm ăn đang thuận buồm xuôi gió thì bất ngờ, từ một lá đơn tố cáo nặc danh, theo đề nghị của Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột, ngày 22/6/2011 Viện KSND TP Buôn Ma Thuột phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Điền về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Ông Điền bị tạm giam 8 tháng, quản thúc thêm 8 tháng tại gia. Ngày 15/10/2012, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk kết luận ông Điền không phạm tội, ra các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, hủy lệnh kê biên tài sản, trả lại các đồ vật và tài liệu tạm giữ, đồng thời thông báo để cấp ủy Đảng liên quan phục hồi lại sinh hoạt Đảng cho ông Điền.

Sáng 31/1/2015 tại UBND phường Tân An, Viện KSND TP Buôn Ma Thuột đã tổ chức buổi gặp mặt và xin lỗi công khai ông Đinh Quang Điền về việc cơ quan này đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam oan sai. Viện KSND tỉnh Đắk Lắk khẳng định để xảy ra những sai phạm như trên, trách nhiệm thuộc về một kiểm sát viên, một Phó Viện trưởng và Viện trưởng Viện KSND TP Buôn Ma Thuột. Các cá nhân này có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng bồi thường thiệt hại cho ông Điền.

Ngày 7/3/2013, ông Đinh Quang Điền có đơn gửi Viện KSND TP Buôn Ma Thuột yêu cầu bồi thường tổng cộng hơn 21 tỷ đồng thiệt hại. Ngày 8/10/2013, Viện có văn bản hồi âm chỉ chấp nhận bồi thường cho ông Điền số tiền hơn 267 triệu đồng. Ông Điền kiện ra tòa. Luật sư hướng dẫn chỉ được kê ra các thiệt hại có căn cứ, nên ông Điền giảm số tiền đòi bồi thường xuống còn 6,9 tỷ đồng. 

Ngày 20/5/2015, TAND TP Buôn Ma Thuột đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên buộc Viện KSND TP Buôn Ma Thuột bồi thường cho ông Điền hơn 2,8 tỷ đồng. Cả 2 phía đều kháng cáo. Ngày 28/8/2015 TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm, tuyên Viện KSND TP Buôn Ma Thuột chỉ phải bồi thường cho ông Điền gần một tỷ không trăm mười bảy triệu đồng.

Ông Điền tiếp tục kháng án lên cấp Tối cao, đồng thời ông cũng tố cáo cách xử lý nhóm cán bộ cố ý làm trái trong vụ này của các cơ quan Công an, Kiểm sát là “giơ cao đánh khẽ”, không đủ tác dụng ngăn ngừa cán bộ tái phạm việc gieo rắc oan sai. Theo ông Điền, mâu thuẫn bắt đầu từ việc một điều tra viên xin 3 mét khối gỗ nhóm 1, ông không cho, cả nhóm đã gây khó bằng nhiều cách với công ty mà đỉnh điểm là lệnh bất ngờ bắt tạm giam ông, phong tỏa toàn bộ nhà máy.

Trả lời báo Tiền Phong về việc đã xử lý thế nào với các cán bộ sai phạm gây oan cho ông Điền? Trung tá Bùi Trọng Tuấn - Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Lắk xác nhận Công an tỉnh đã điều chuyển vị trí công tác 5 cán bộ Công an thành phố Buôn Ma Thuột, trong đó có 4 người bị kỷ luật cảnh cáo, 1 người bị khiển trách.

Ông Lê Quang Tiến, Viện phó Viện KSND tỉnh Đắk Lắk cho biết, các cán bộ gây oan sai cho ông Điền đều đã nhận quyết định kỷ luật, người bị cách chức, người hạ bậc lương, chuyển công tác khác. Tuy nhiên ông Điền vẫn gửi đơn lên Viện KSND Tối cao, cho rằng xử lý như vậy chưa thỏa đáng, nên Cục Điều tra của Viện KSND Tối cao đã vào Đắk Lắk và đang xem xét lại toàn bộ hồ sơ!

Giữa tháng 8/2016, đưa phóng viên đến xem xưởng chế biến gỗ tới nay vẫn hoang tàn, chất đầy máy móc các loại hư hỏng rỉ sét không phục hồi lại được, ông Điền đau xót giãi bày: Chỉ bằng một lá đơn nặc danh vu khống, cán bộ điều tra và công tố đã đẩy tôi vào tù, khiến sự nghiệp tôi tan tành, cha mẹ tôi đau khổ lâm bệnh mà chết, việc học hành các con tôi dang dở. Oan khổ này, biết đến bao giờ mới được gỡ cho xong.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Thiên Nga (Tiên Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN