Câu chuyện về bánh mì Việt Nam (Phần 1)

Sự kiện: Món ngon Việt Nam

“Bánh mì Việt Nam ngon nhất thế giới”, chuyên trang du lịch The Gardian từng miêu tả về ổ bánh dài được nướng qua trên than hồng Việt Nam, giá chỉ khoảng 15 ngàn đồng lại là một món bánh mì ngon nhất thế giới.

Không thể phủ nhận rằng, ngày nay bánh mì Việt Nam không chỉ là một món ăn quen thuộc với người Việt, nó còn là món ăn đặc biệt trong lòng nhiều du khách nước ngoài.

Câu chuyện về bánh mì Việt Nam (Phần 1) - 1

Bánh mì dọc chiều dài đất nước

“Ai bánh mì nóng đây, ai bánh mì nóng nào”, câu rao hàng quen thuộc gắn với hình ảnh của bánh mì đã đi vào lòng biết bao người Việt Nam. Sau này, người Sài Gòn lại được nghe thêm những tiếng rao “bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm ngon, một ngàn một ổ” ở khắp các con hẻm nhỏ. Bánh mì đã trở thành một món ăn bình dân và phổ biến của rất nhiều người, từ nông thôn đến thành thị. Vượt qua biên giới, bánh mì trở thành đề tài phong phú của những người làm ẩm thực, là thành phần chính trong mỗi bữa ăn gia đình ở nhiều quốc gia. Hơn hết, nó đã trở thành món ăn được cả thế giới ưa chuộng.

Từ loại bánh mì Baguette do người Pháp du nhập, có hình tròn, to, theo thời gian, người Việt Nam đã chế biến baguette thành một loại bánh đặc trưng với chiều dài ngắn hơn và sản xuất nhiều hơn. Mặc dù vậy, nhiều năm sau, bánh mì vẫn được xem là một món ăn chơi, món ăn “thổi kèn” dùng để ăn qua bữa, ăn vui và không thể thay thế được những bữa cơm trắng.

Câu chuyện về bánh mì Việt Nam (Phần 1) - 2

Bánh mì Việt Nam

Sau khi du nhập vào Việt Nam, bánh mì nhanh chóng có những biến đổi về hình thức lẫn cách chế biến phong phú, đáp ứng nhu cầu ẩm thực đa dạng và cầu kỳ của người Sài Gòn. Càng về sau, bánh mì càng xuất hiện nhiều ở các con phố. Nó không chỉ là món điểm tâm mà còn được dùng trong cả bữa trưa và chiều tối. Người ta có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc xe bánh mì trên khắp mọi nẻo đường như một hình ảnh quen thuộc trên khắp mọi miền đất nước.

Sài Gòn là vùng đất có nhiều công thức và nhiều món bánh mì “lạ” ra đời. Sau đó, bánh mì nhanh chóng di tản đến nhiều nơi, và ở mỗi nơi, bánh mì lại cộng vào công thức riêng của vùng miền.

Từ Sài Gòn đi lên cao nguyên Lâm Đồng, món bánh mì xíu mại nóng hổi “vừa thổi vừa ăn” được xem là đặc sản của thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt. Chấm bánh mì với chén xíu mại nhỏ sâu lòng chan đầy nước súp và những viên xíu mại nhỏ tròn, thêm chả que hay da heo, rắc chút hành lá, hay dùng khô bánh mì với nhân xíu mại bên trong, vị ngọt của xương và cay nồng của ớt quyện trong hơi ấm của bánh mì và xíu mại còn nóng hừng bên bếp than, món bánh mì ấy đã khiến bao người “lữ khách” say lòng.

Câu chuyện về bánh mì Việt Nam (Phần 1) - 3

Bánh mì xíu mại 

Câu chuyện về bánh mì Việt Nam (Phần 1) - 4

Bánh mì xíu mại 

Chỉ đơn giản là một ổ bánh mì nhỏ, nhưng khi đến miền Bắc, “chất” của bánh mì đã trở nên đa dạng và độc đáo, khác hẳn với nguyên bản của bánh mì Baguette. Người Hà Nội ăn bánh không thường như người Nam, thế nhưng ở vùng đất Hà Nội, bánh mì lại được xem là món “hương hoa”, món của ăn chơi. Người ta dễ bắt gặp những món bánh mì với nem chua rán giữa tiết trời trở lạnh hay món bánh mì khoai tây chiên với sốt sữa chua, bánh mì áp chảo… những món bánh mì rất “hợp rơ” để ăn vui.

Câu chuyện về bánh mì Việt Nam (Phần 1) - 5

Bánh mì dọc chiều dài đất nước

Từ phố núi đi dọc xuống phố biển, bánh mì góp nhặt thêm hương vị đậm đà của miền biển khi thêm vào công thức món bánh mì chả cá giòn rụm, thơm lừng, kẹp với bánh mì và rau dưa. Món bánh mì chả cá sau này đi khắp mọi nơi và trở thành món ăn quen thuộc của nhiều vùng miền, từ Bắc đến Nam.

Ra tới miền Trung, bánh mì cũng ảnh hưởng rõ nét bởi văn hóa ẩm thực của xứ này, bánh thường dai hơn và vỏ giòn hơn. Đặc biệt, người ta ăn kèm rất nhiều rau. Vị cay của bánh mì miền Trung cũng tăng lên rõ rệt. Có thể nói, chưa ở miền nào bánh mì lại có hương vị “đậm” như bánh mì ở miền Trung.

Câu chuyện về bánh mì Việt Nam (Phần 1) - 6

Bánh mì cay 

Món bánh mì cay, bánh mì que cũng là những món bánh mì ăn vặt phổ biến tại Việt Nam. Món bánh mì này nhân không cầu kỳ, đủ để bỏ vào pate và chút hành khô, sau đó được làm nóng. Bánh mì que nhỏ ăn giòn tan, thơm ngậy và không ngán. Bánh mì que được biết đến và nổi lên từ cuối năm 2008, trở thành món ưa thích của rất nhiều bạn trẻ.

Không khó để bạn tìm kiếm một món bánh mì ngon, bởi lẽ có rất nhiều loại nhân hay cách chế biến bánh mì, dù là người khó tính nhất cũng có thể tìm được một ổ bánh mì phù hợp với khẩu vị của mình. Chẳng thế mà bánh mì được mệnh danh là “món bánh của nhân loại”.

Mời độc giả đón đọc Phần cuối Câu chuyện về bánh mì Việt Nam: "Bánh mì “muôn hình vạn vị” vào 7h30, 11/07/2015.

(Trong bài có sử dụng hình ảnh trên Foodpanda).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khám phá
Món ngon Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN